Friday, June 29, 2007

Từ WTO nghĩ về nền giáo dục nước nhà!




Từ WTO nghĩ về nền giáo dục nước nhà!

ThS. Nguyễn Bá Bình - ĐH Luật Hà Nội

(Bài viết cho TGPL số tết âm lịch)

Sau 11 năm đàm phán đầy khó khăn thì sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) kể từ ngày 11/01/2007 đưa lại cho người dân nhiều niềm vui khi vị thế nước nhà ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Nhưng như một lẽ thường tình, đằng sau mỗi nụ cười của thành công vẫn luôn ẩn hiện những nếp nhăn trên trán, WTO cũng vậy - hai cụm từ song hành như đôi uyên ương khi người ta nói về tổ chức này đó là "thời cơ" và "thách thức". Giải bài toán để biến những "cơ hội" thành hiện thực và hoá giải "thách thức" với đáp số "cùng thắng" trong kinh tế thời hội nhập có lẽ không kém phần khó khăn so với giải bài toán Fecma trong toán học. Vì lẽ đó, mặc dù không thể tính được đã có bao nhiêu bài viết của cả các chuyên gia trong và ngoài nước, từ các nhà kinh tế học, luật học, sử học… cho tới các nhạc sỹ, nhà văn… nhưng dường như WTO vẫn còn khá mông lung và mờ mịt như những tảng mây mù trên sân vận động Old Trafford của xứ sở Anh quốc.

Nói về WTO, người ta cũng sớm dự liệu về những ngành sẽ gặp nhiều khó khăn như ngân hàng, kiểm toán, viễn thông, phân phối và những ngành có nhiều cơ hội để phát triển như nông sản hay dệt may… Những dự liệu đó dựa nhiều vào thực lực của các ngành hiện có và những cam kết về mở cửa của chúng ta. Nhưng rõ ràng, cạnh tranh trong WTO là một chặng đường dài, đầy cam go - nó như một giải đấu lớn của bóng đá, chứ không đơn thuần chỉ là một vài trận đấu giao hữu. Vậy đâu sẽ là sức mạnh giúp chúng ta đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên sân đấu này? Có lẽ chúng ta sẽ không tìm về sức mạnh từ nhân công rẻ hay tài nguyên dồi dào (?) và sự giúp đỡ của Chính phủ (nếu có, trên cơ sở phù hợp với WTO) cũng không thể so sánh với những ông lớn như Mỹ hay Nhật. Trong thời kỳ kinh tế tri thức nơi mà tri thức mới là nguồn vốn vô hạn và có giá trị lớn lao thì có thể nói sức mạnh cạnh tranh của mỗi quốc gia phải bắt nguồn từ sức mạnh của tri thức. Mỗi hàng hóa, dịch vụ được kết tinh giá trị từ nhiều thành tố, trong đó hai thành tố cơ bản là nguyên vật liệu và tri thức. Vậy thì trong thời đại mà giá trị của tri thức được tôn vinh thì rõ ràng tri thức chính là yếu tố then chốt của cạnh tranh. Để Việt Nam thực sự có chỗ đứng vững chắc trong một nền kinh tế đang thay đổi như vũ bão và để chiến lược cạnh tranh của Việt Nam không giống như việc "xây nhà từ trên nóc" thì yếu tố tiên quyết chính là tạo dựng nguồn tri thức có giá trị cho nền kinh tế Việt Nam. Gốc rễ của tri thức lại khởi nguồn từ sản phẩm của giáo dục. Nếu vậy bài toán của thời hội nhập cần phải lấy giáo dục làm cốt lõi.

Tìm về nền giáo dục nước nhà, lại thấy đây đó bàn nhiều về xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế. Liệu điều này có là quá xa xôi như câu chuyện bóng đá Việt Nam mơ về Worldcup? Câu hỏi được đặt ra không phải là không có cơ sở. Thôi thì không hiểu cái "đẳng cấp quốc tế" được người ta đưa vào trong giấc mơ về các trường đại học Việt Nam được hiểu ra sao, nhưng theo tôi cũng giống như xếp hạng trong thể thao, để là một đại học đẳng cấp quốc tế thì có lẽ cũng phải nằm trong Top các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Nhưng hãy nhìn vào bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu thế giới do các tạp chí bình chọn để xem mục tiêu của chúng ta có xa vời quá chăng? Chẳng hạn năm nay với 100 trường hàng đầu thế giới do tạp chí Newsweek bình chọn, nhìn vào những cái tên trong đó và ngẫm tới mình e rằng đó còn là một khoảng cách quá xa; thêm nữa, liệu khi mình đuổi theo họ thì họ có chờ mình hay là mình đi được 1 họ đã đi được 2, 3. Không hiểu khi đưa ra chủ trương xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế chúng ta đã nhìn thử xem mình đang ở đẳng cấp nào hay chưa. Bởi lẽ nếu ở đẳng cấp khu vực hay châu lục còn chưa ổn thì đưa ra mục tiêu vậy e rằng quá mơ hồ. Theo thiển nghĩ của tôi, để có nguồn tri thức tốt phục vụ cho đất nước, quan tâm đầu tư cho giáo dục, đặc biệt ở bậc đại học là hết sức cần thiết và tối quan trọng, nhưng đặt mục tiêu chiến lược thế nào thì cần phải cân nhắc từ nhiều phía. Nghĩ về chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà, bất chợt tôi nhớ lại câu nói của Giáo sư Thomas Vallely - Giám đốc chương trình Việt Nam của Đại học Harvard (bài phát biểu tại phiên thảo luận "Giáo dục Việt Nam - Nguồn lực và cơ hội" trong khuôn khổ hội nghị khoa học của các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ năm 2006) khi nói về giáo dục Việt Nam: Nhu cầu tri thức của Việt Nam là yếu! Nhận định này chính là cơ sở đầu tiên để chúng ta xem xét nền giáo dục nước nhà. Không nghi ngờ gì nữa, giáo dục là một loại dịch vụ, sản phẩm của nó là tri thức của những người học và sản phẩm đó sẽ được xã hội sử dụng. Vậy thì nếu bên Cầu (xã hội) không có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bên Cung (các cơ sở giáo dục) thì rõ ràng sẽ tạo nên sự vênh ở đây, nghĩa là người học chỉ đi học vì bằng cấp chứ không vì tri thức. Như vậy, để giải quyết rốt ráo vấn đề này thì cần phải xuất phát từ hai phía: thay đổi thái độ của bên Cầu và nâng cao chất lượng sản phẩm của bên Cung. Nó cũng giống như chiến lược bán hàng của một sản phẩm. Khi sản phẩm của công ty không bán được thì có hai cách cơ bản để giải quyết vấn đề: một là, tìm cách làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng để họ mua sản phẩm của mình (ví dụ quảng bá, tiếp thị, khuyến mại…) và hai là nâng cao chất lượng của sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Nhìn về thực trạng của nền giáo dục, trước hết về chất lượng sản phẩm đào tạo thì một thực tế cần phải được thừa nhận là rất nhiều sinh viên ra trường không thích nghi được với công việc hoặc phải đào tạo lại trong một thời gian nhất định. Còn về thái độ của xã hội thì không chỉ trong khối các cơ quan nhà nước mà còn trong cả các thành phần kinh tế khác việc tuyển dụng nhiều khi còn bắt nguồn từ "quan hệ thân quen" chứ không phải từ "thực lực của người được tuyển dụng", có nghĩa là trong rất nhiều trường hợp xã hội không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm mà mình sử dụng. Về yếu tố thứ hai - thái độ của xã hội, chắc chắn rằng với áp lực và những thách thức mà WTO mang lại cho cả Chính phủ và doanh nghiệp thì thái độ trong việc sử dụng tri thức sẽ được thay đổi. Như vậy, câu chuyện của nền giáo dục hiện nay là giải quyết vấn đề thứ nhất - nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc nâng cao đó phải được tiến hành theo từng bước trên cơ sở các điều kiện hiện có của đất nước, chứ không phải là đặt ra một mục tiêu quá cao và quá mơ hồ. Bởi vì, nhìn về những yếu tố để xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới như số lượng các nhà nghiên cứu cao cấp, số lượng bài viết đăng trên các tạp chí có uy tín, tỉ lệ phần trăm khoa chuyên về quốc tế, số lượng sinh viên quốc tế và số lượng đầu sách trong thư viện thì để có được một chỗ đứng trong top 100 trường này có lẽ vẫn còn là "chặng đường gian nan". Khi mà vị tân Bộ trưởng còn hứa đến 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương thì chính điều đó cũng cho thấy rằng nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam cần phải được làm từng bước một. Ông cha ta có câu: "có thực mới vực được đạo"!

Thursday, June 21, 2007

Sydney, ngắn thời gian và dài cảm nhận!




Sydney, ngắn thời gian và dài cảm nhận!

3 tháng ở Sydney, chỉ còn 3 ngày nữa để trở về, cũng là lúc tôi chợt nhận ra mình còn một món nợ phải trả - trải một vài dòng cảm nhận, có lẽ là không đủ để nói hết về những gì tôi đã thấy, những người tôi đã gặp, những gì đã nghĩ suy, đã vui, đã buồn! Dẫu sao trong "hằng hà sa cảm xúc ấy" vẫn cần "chiết xuất" một đôi điều để sẻ chia!

"Sydney, ngắn thời gian - dài cảm nhận", không ưa chơi chữ, nhưng có lẽ chỉ còn cách này để khái quát nên những gì tôi cảm nhận về Sydney! 3 tháng so với đời người, với những nơi tôi đã đi và sẽ đi thực sự không phải là dài, nhưng những cảm nhận của tôi trong 3 tháng ở Sydney thật nhiều: có những ngày buồn - ngồi một mình nhìn ra khung cửa sổ nhỏ và nghĩ lan man về cuộc đời; có những đêm buồn - thu mình bên bãi biển Coogee trong cái rét đậm của Sydney, một vài ly rượu để trôi trôi cảm xúc về miền ký ức... rồi những ngày vui lang thang cùng anh em trên Phố, Shopping và Shopping - điệp khúc đã trở nên quen với chúng tôi khi được lãng quên thời gian cùng chị em tìm kiếm trong ty tỷ mặt hàng và đồ lưu niệm, rồi những ngày dạo chơi tới vùng rừng xanh thẳm Blue Mountain và lâng lâng cảm xúc trong câu chuyện tình yêu của 3 chị em gái để hiểu thêm truyền thuyết hòn núi 3 sisters và lại nhớ về nàng Tô Thị xứ mình; rồi nữa, kỷ niệm về những ngày vượt qua hơn 3h đồng hồ trên xe để đến với Thủ đô Canberra, ngắm nhìn Parliement House và nhớ về những ngày dự khán Quốc hội Việt Nam!

"Sydney, ngắn thời gian - dài cảm nhận", trong những ngày lang thang ấy, tôi chợt hiểu hơn về những người bạn đồng hành và cả những con người nơi đây. Họ quá trở nên thân thiết, tôi đã nghe nói về một đất nước Úc đa dạng văn hóa, nhưng với tôi dường như nước Úc còn ấn tượng hơn về tình yêu con người - thân thiện nhưng không suồng sã, quá đủ để yêu và mến, phải không?

Những người bạn tôi, sẽ không có nhiều thời gian để sẻ chia nữa, chúng tôi lại tiếp tục mải miết trên con đường sự nghiệp và cuộc sống riêng của mình, nhưng 3 tháng ở Sydney sẽ chiếm trong lòng của không chỉ tôi mà cả họ một chỗ đứng thật vững chắc và đầy ấn tượng!

Sydney, 3 ngày nữa để hồi tưởng về những gì của 3 tháng qua, mơ ước gì ư... tôi không muốn mơ ước như lời một bài hát đã yêu mến ngày xưa "nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại", tôi mơ sẽ lại có những ngày tháng tiếp theo thú vị như ở Sydney để con người lại được sống với nhau theo đúng nghĩa của "tình yêu con người"! Có quá cao xa và tham lam không nhỉ?!

(UNSW Library)