Sunday, March 16, 2008

Tặng những người yêu "xứ Nghệ"...

Sau những cuộc đi, sau những ngày bận rộn với câu chữ luật học, có những khoảnh khắc chợt rưng rưng khi gặp lại những người bạn cũ, lại được nghe và được nói cái "giọng quê" với thật nhiều cảm xúc, cái "giọng quê" ngỡ đã nằm sâu ở nơi nào đó của lòng mình. Để rồi lại nhớ về quê, nhớ về vùng đất đã làm nên con người mình - với tất cả những hay dở của một "người con xứ Nghệ" trong suốt 18 năm trời ấy... Xin cho tôi được cùng bạn bè sẻ chia một vài lời thơ chân chất của cố thi sĩ Huy Cận về miền quê ấy, con người nơi ấy - thật xa mà cũng thật gần!...

Gửi bạn người Nghệ Tĩnh

Ai ơi, cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon
Khoai lang vàng xứ Nghệ
Càng nhai kĩ càng bùi
Cam Xã Đoài xứ Nghệ
Càng chín lại càng tươi.

Ông đồ xưa xứ Nghệ
Càng dạy, chữ càng nhiều
Tính tình người xứ Nghệ
Càng biết lại càng yêu.
Ai đi vô nơi đây
Xin dừng chân xứ Nghệ
Ai đi ra nơi này
Xin dừng chân xứ Nghệ
Nghe câu vè ví dặm
Càng lắng lại càng sâu
Như sông La chảy chậm
Đọng bao thuở vui sầu

Ăn, xứ Nghệ ăn đặm
Đã nói, nói hết lòng
Đất này bền nghĩa bạn
Đất này tình thuỷ chung.
Đất này mẹ dạy con
Yêu anh hùng nghĩa khí
Giữ lòng đỏ như son
Nuôi thù sâu tựa bể.

Đất này đất Xô-viết
Đảng mở hội cờ hồng
Tự tuổi vàng đá biết
Mặn mãi tình công nông.

Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng.

Ôi xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất cổ nước non nhà
Đã trăm, nghìn thế hệ
Vẫn ưa nhút, ưa cà.

Dân thời đại Bác Hồ
Sống xã hội chủ nghĩa
Vẫn dáng dấp ông đồ
Hay chữ lại hay nghĩa
Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta
Có gì tự ông cha
Rất xưa mà rất trẻ
Giống như Bác của ta
Một con người xứ Nghệ


Nghệ Tĩnh, 10-1967
- Huy Cận

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Vài suy nghĩ về nội hàm khái niệm cũng như việc xác định tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế [i]



Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã là một cái tên quá quen thuộc cho không chỉ giới thương nhân mà cả các nhà nghiên cứu kinh tế, luật học. Cho dẫu vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, của nền khoa học pháp lý, vẫn còn và tiếp tục nảy sinh nhiều điểm thú vị để bàn về loại hợp đồng này. Vì lẽ đó, trong khuôn khổ của bài viết, tác giả mong được góp một đôi dòng suy nghĩ về việc xác định nội hàm cũng như xem xét tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.



1. Về nội hàm khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Khảo cứu về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có thể thấy từ xưa tới nay, cả trong và ngoài nước, trong văn bản pháp lý cũng như tác phẩm của các nhà luật học, kinh tế học đã xuất hiện quá nhiều tên gọi về loại hợp đồng này: hợp đồng mua bán trong tư pháp quốc tế, hợp đồng mua bán ngoại thương, hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài, hợp đồng mua bán quốc tế, hợp đồng mua bán có tính chất quốc tế... Khi mà tên gọi khác nhau, thì cũng là lẽ thường cho một thực tế là việc định vị nội hàm khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về mặt lý luận hiện vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Bỏ qua sự khác biệt về tên gọi, nhìn một cách tổng thể thì nhận thức về nội hàm khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của giới khoa học pháp lý đứng trước một câu hỏi lớn: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán trong tư pháp quốc tế (nghĩa là bao gồm cả việc mua bán trong lĩnh vực dân sự - “dân sự” hiểu theo tinh thần Bộ luật dân sự Việt Nam 1995 (BLDSVN 1995) và mua bán trong lĩnh vực thương mại) hay chỉ là một phần của hợp đồng mua bán trong tư pháp quốc tế (nghĩa là chỉ là hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại nhưng có yếu tố nước ngoài)?


Xem xét các quy định của pháp luật Việt Nam từ trước đến nay, cũng như các điều ước quốc tế có liên quan (sẽ được dẫn ra ở phần sau) thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đều được xác định (dù trực tiếp hay gián tiếp) là một hợp đồng mang tính chất thương mại. Vì thế, sẽ phù hợp và thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu và kiến giải để hoàn thiện pháp luật nếu chúng ta tiếp cận hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dưới giác độ là hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại (vì mục đích lợi nhuận) có yếu tố nước ngoài, có nghĩa chỉ là một nhóm hợp đồng trong tổng thể các hợp đồng mua bán có yếu tố nước ngoài. Với quan điểm này thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không bao hàm các hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực dân sự truyền thống (vì mục đích sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày) có yếu tố nước ngoài.


Như vậy, về mặt lý luận hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải đảm bảo cần và đủ hai yếu tố: thứ nhất, là hợp đồng mua bán hàng hóa trong lĩnh vực thương mại; và thứ hai, hợp đồng này phải có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể rơi vào một trong ba trường hợp giống như đối với hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói chung đó là chủ thể, sự kiện pháp lý và đối tượng của hợp đồng[ii].


Về mặt pháp luật thực định, do cách tiếp cận, nhu cầu, mục đích khác nhau mà pháp luật mỗi nước, mỗi điều ước quốc tế hay tập quán quốc tế có cách gọi tên và xác định nội hàm khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế một cách phù hợp. Vì lẽ đó, việc phân tích, bình luận về tên gọi, nội hàm của khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở các văn bản pháp luật thực định cần phải trên quan điểm hết sức mềm dẻo và gắn với bối cảnh hình thành, mục đích, phạm vi điều chỉnh của văn bản ấy.


Theo Điều 1 Phụ lục của Công ước La Haye 1964 về luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế (Convention relating to a Uniform Law on the International Sale of Goods) thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đóng trên lãnh thổ các quốc gia khác nhau nếu có thêm một trong các điều kiện sau:


Thứ nhất, hợp đồng liên quan đến vật mà trong thời gian ký kết hợp đồng vật đó được chuyên chở hoặc phải được chuyên chở từ lãnh thổ của quốc gia này đến lãnh thổ của quốc gia khác;


Thứ hai, hành vi chào hàng và hành vi chấp nhận chào hàng được thực hiện trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau;


Thứ ba, việc giao hàng được thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia khác với quốc gia nơi tiến hành hành vi chào hàng hoặc hành vi chấp nhận chào hàng.


Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods) không đưa ra định nghĩa nào về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng Điều 1 quy định: “1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau:


a. Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của Công ước hoặc,


b. Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên Công ước này.


2. Sự kiện các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên.


3. Quốc tịch của các bên, quy chế dân sự hoặc thương mại của họ, tính chất dân sự hay thương mại của hợp đồng không được xét tới khi xác định phạm vi áp dụng của Công ước này”.


Qua đó, có thể hiểu rằng, theo Công ước thì việc chủ thể của hợp đồng là các bên có trụ sở ở các nước khác nhau được coi là dấu hiệu xác định yếu tố nước ngoài trong quan hệ hợp đồng. Tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này, Điều 10 Công ước quy định, nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại trở lên thì trụ sở thương mại của họ sẽ là trụ sở nào có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng đó, có tính tới những tình huống mà các bên đều biết hoặc đều dự đoán được vào bất kỳ lúc nào trước hoặc vào thời điểm hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ làm căn cứ xác định.


Bộ nguyên tắc của Unidroit (Viện thống nhất về tư pháp quốc tế) về hợp đồng thương mại quốc tế 2004 (Principles of International Commercial Contracts - viết tắt là PICC) không đưa ra quy định trực tiếp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng phần bình luận về lời mở đầu của PICC (phần bình luận cũng là một phần của Bộ nguyên tắc hoàn chỉnh) đã chỉ rõ rằng tính chất quốc tế (yếu tố nước ngoài) của một hợp đồng có thể được xác định bởi nhiều cách: Pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng như dựa vào trụ sở hay nơi thường trú của các bên tại các quốc gia khác nhau, áp dụng những tiêu chí mang tính chất tổng quát như hợp đồng có “các mối liên hệ mật thiết với hơn một quốc gia”, hợp đồng “đòi hỏi có sự lựa chọn giữa pháp luật của các quốc gia khác nhau”, hợp đồng “có ảnh hưởng đến các lợi ích trong thương mại quốc tế”. PICC không nhấn mạnh bất cứ tiêu chí nào trong số các tiêu chí trên, tuy nhiên quan niệm về tính quốc tế của hợp đồng cần phải được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ không coi là hợp đồng không có tính quốc tế nếu nó không có bất kỳ một yếu tố quốc tế nào - nghĩa là tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ liên quan đến một quốc gia duy nhất.


Đối với Việt Nam, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được biết đến trong nhiều văn bản với các tên gọi khác nhau như hợp đồng mua bán ngoại thương (được ghi nhận trong Quy chế tạm thời số 4794/TN-XNK ngày 31/07/1991 của Bộ Thương nghiệp - nay là Bộ Công Thương), hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài (ghi nhận trong Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 - sau đây gọi là LTMVN 1997), hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa (Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 - sau đây gọi là LTMVN 2005).


Trước thời điểm ban hành LTMVN 1997, khái niệm “hợp đồng mua bán ngoại thương” được ghi nhận trong Quy chế tạm thời số 4794/TN-XNK về hướng dẫn việc ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương do Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành ngày 31/07/1991: “hợp đồng mua bán ngoại thương là hợp đồng mua bán có tính chất quốc tế” với ba tính chất sau: thứ nhất, chủ thể của hợp đồng là những pháp nhân có quốc tịch khác nhau; thứ hai, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng được dịch chuyển từ nước này sang nước khác; thứ ba, đồng tiền thanh toán trong hợp đồng là ngoại tệ đối với một bên hoặc cả hai bên ký kết hợp đồng.


Đến thời kỳ ra đời và vận hành LTMVN 1997, thì lại xuất hiện tên gọi “hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài” (quy định tại Điều 80 LTMVN 1997): “hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài là hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa một bên là thương nhân Việt Nam với một bên là thương nhân nước ngoài”. Như vậy, tiêu chí để xác định yếu tố nước ngoài cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (được gọi với cái tên “hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài”) chỉ là yếu tố quốc tịch của các bên chủ thể hợp đồng. Theo đó, có thể thấy LTMVN 1997 đã thu hẹp nội hàm khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Với cách hiểu này thì một loạt các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khác sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh LTMVN 1997 như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các thương nhân Việt Nam với nhau nhưng việc ký kết được tiến hành ở nước ngoài, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa thương nhân nước ngoài với nhau ở Việt Nam... Điều này không chỉ đặt ra những vấn đề khó phúc đáp về lý luận mà còn cả sự khó khăn đối với việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn khi mà BLDSVN 1995 chưa được xác định rõ là “đạo luật mẹ” hay không.


Hiện nay, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được quy định trong LTMVN 2005 và Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Theo Điều 27 khoản 1 LTMVN 2005 thì “Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Như vậy, chiếu theo quy định này thì tiêu chí để xác định yếu tố nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ là việc hàng hóa là đối tượng của hợp đồng phải được giao qua biên giới. Với những loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà hàng hóa không có sự dịch chuyển qua biên giới thì rõ ràng sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của LTMVN 2005. Tuy nhiên, với tư duy coi BLDSVN 2005 là “đạo luật mẹ” bao trùm lên cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động thì đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không được chuyển giao qua biên giới quốc gia (như hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một thương nhân Việt Nam với một thương nhân nước ngoài nhưng hàng hóa chỉ được chuyển dịch trong nội bộ lãnh thổ Việt Nam) thì hoàn toàn có thể áp dụng các quy định của BLDSVN 2005 đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài nói chung để điều chỉnh.



2. Về việc xác định tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần được xem xét dưới 3 góc độ: chủ thể, hình thức và nội dung của hợp đồng.


Về chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Đối với việc xác định năng lực chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù rằng pháp luật các nước quy định khác nhau, nhưng điểm chung nhất đó là hợp đồng phải được ký và thực hiện bởi người có thẩm quyền và có đầy đủ năng lực theo pháp luật. Việc chọn hệ thống pháp luật áp dụng nhằm làm rõ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của chủ thể hợp đồng thường dựa vào hệ thuộc luật nhân thân của chủ thể hợp đồng (lex personalis). Trong khi đó, đối với Việt Nam, việc giải quyết xung đột pháp luật về năng lực chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không được quy định chuyên biệt trong LTMVN 2005, do đó về nguyên tắc sẽ áp dụng các hệ thuộc như đối với năng lực chủ thể của hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói chung (tức là sử dụng các Điều 761, 762 và 765 BLDSVN 2005) với hệ thuộc luật chủ đạo được sử dụng cho cá nhân là luật quốc tịch, cho pháp nhân là luật nơi thành lập pháp nhân[iii].


Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước cũng không có quy định riêng về phương thức giải quyết xung đột pháp luật cho năng lực chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, như vậy hệ thuộc được dùng cũng sẽ giống như trong trường hợp năng lực chủ thể của hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói chung: nếu chủ thể là cá nhân thì năng lực chủ thể được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân; còn nếu chủ thể là pháp nhân thì năng lực chủ thể xác định theo pháp luật nước ký kết nơi thành lập pháp nhân đó (đa số HĐTTTP xác định theo cách này) hoặc nơi pháp nhân có trụ sở (một số HĐTTTP như HĐTTTP Việt Nam - Ba Lan, HĐTTTP Việt Nam - Hungary).


Cho dù không đưa ra hệ thuộc luật trực tiếp điều chỉnh năng lực chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định trực tiếp về năng lực chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế:


Thương nhân[iv] Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm có: các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; các hộ kinh doanh cá thể được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh[v]) được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, chỉ trừ các hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Chi nhánh thương nhân cũng được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân (Điều 3 Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài).


Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam thì khi tiến hành ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ngoài việc phải thực hiện các quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP còn phải tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan (ví dụ Luật Đầu tư Việt Nam năm 2006) và các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (ví dụ các Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư giữa Việt Nam với các nước). Căn cứ pháp luật hiện hành và các Điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ công bố lộ trình và phạm vi hoạt động kinh doanh của các thương nhân này. Cụ thể là có hai trường hợp mua bán hàng hóa quốc tế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:


Trường hợp thứ nhất, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, phụ tùng, linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết và các hàng hoá khác để triển khai hoạt động đầu tư phù hợp với mục tiêu của dự án đầu tư quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tạm nhập các hàng hoá để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam (Bao gồm: máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu để thực hiện hợp đồng gia công hoặc để phục vụ hoạt động sản xuất theo hình thức thuê, mượn; hàng hoá để trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, các phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc để nghiên cứu sản xuất, làm mẫu cho giảng dạy, đào tạo, huấn luyện; sản phẩm đã xuất khẩu để bảo hành, sửa chữa hoặc thay thế sau đó tái xuất khẩu); Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có quyền trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tạm xuất, tái nhập các hàng hoá sau để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam (bao gồm: máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, khuôn mẫu, nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ngoài, để thực hiện hợp đồng gia công, hoặc để bảo hành, sửa chữa, thay thế; hàng hóa để trưng bày tại hội chợ, triển lãm) (xem Điều 15 Luật Đầu tư Việt Nam năm 2005, Điều 14 Nghị định của Chính phủ số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Điều 3 Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, Mục II Thông tư của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) số 04/2007/TT-BTM ngày 04/04/2007 hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).


Trường hợp thứ hai, đối với việc mua bán hàng hóa quốc tế mà đối tượng không phải là các hàng hóa nói trên thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam (có những trường hợp thì Giấy chứng nhận đầu tư có giá trị đồng thời là Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam). Để nhận được Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam thì Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện đó là: thứ nhất, nhà đầu tư thuộc các nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên và trong Điều ước quốc tế đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (đối với nhà đầu tư nước ngoài thuộc các nước, vùng lãnh thổ khác thì trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấp phép kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ xem xét, chấp thuận cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đối với từng trường hợp cụ thể); thứ hai, phù hợp với hình thức đầu tư và lộ trình thực hiện quy định tại Phụ lục số 01 Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá (Điều 4 Nghị định của Chính phủ số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt đồng mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Mục I và II Thông tư của Bộ thương mại (nay là Bộ Công Thương) số 09/2007/TT-BTM ngày 17/07/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Quyết định của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) số 10/2007/QĐ-BTM ngày 21/05/2007 công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa).


Đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại[vi] tại Việt Nam thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương với Việt Nam về vấn đề xuất, nhập khẩu hàng hóa, pháp luật Việt Nam họ được quyền: thực hiện các quyền xuất khẩu, nhập khẩu khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu đối với các loại hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam; thực hiện mua hàng hoá để xuất khẩu và bán hàng hoá nhập khẩu với thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh các loại hàng hoá đó theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (Điều 4 Nghị định của Chính phủ số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/05/2007 quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam).


Pháp luật Việt Nam còn cho phép thương nhân nước ngoài được đặt chi nhánh tại Việt Nam, chi nhánh thương nhân nước ngoài cũng có thể ký kết, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 16, 19 LTMVN 2005, Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/07/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, Mục I Thông tư của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) số 04/2006/TT-BTM ngày 06/04/2006 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài).


Về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Xét về cách thức giải quyết xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật các nước trên thế giới, một số điều ước quốc tế (ví dụ Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng), pháp luật Việt Nam và các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài đều không đưa ra một quy định riêng, như vậy hệ thuộc được sử dụng chính là hệ thuộc được dùng để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức của hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói chung[vii].


Xét về pháp luật thực chất, các nước đều có những quy định đòi hỏi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện nhất định, đó có thể là hợp đồng được ký kết dưới hình thức văn bản (hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương), lời nói, hành vi nhất định. Trong đó, có những nước đòi hỏi một cách chặt chẽ về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo pháp luật các nước này, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được phê chuẩn hay công chứng,... mới được coi là hợp pháp về hình thức (ví dụ ở Pháp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được công chứng tại Pháp[viii]).


Còn theo Điều 11 Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì không yêu cầu các bên phải ký, xác nhận bằng văn bản hoặc phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào về mặt hình thức của hợp đồng mua bán. Điều đó có nghĩa, không có quy định bắt buộc về mặt hình thức của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Các bên có thể dùng bất kỳ phương tiện nào, kể cả lời khai nhân chứng, để chứng minh về sự tồn tại của hợp đồng. Tuy vậy, tại Điều 12 Công ước quy định: “bất kỳ quy định nào của Điều 11, Điều 29 hoặc phần thứ hai công ước này cho phép hợp đồng mua bán, việc thay đổi hoặc đình chỉ hợp đồng theo sự thoả thuận của các bên hoặc đơn chào hàng và chấp nhận chào hàng hoặc bất kỳ sự thể hiện ý chí nào của các bên được lập và không phải dưới hình thức viết mà bất kỳ hình thức nào sẽ không được áp dụng khi dù chỉ một trong số các bên có trụ sở thương mại đặt ở nước là thành viên của công ước mà nước đó tuyên bố bảo lưu theo Điều 96 công ước này”, tức là “nếu nước thành viên mà trong pháp luật nước đó đòi hỏi hợp đồng phải được ký kết hoặc phê chuẩn dưới hình thức văn bản thì điều quy định này của pháp luật nước thành viên đó phải được tôn trọng” (Điều 96).


Theo Điều 1.2 của PICC (nguyên tắc không bắt buộc về hình thức của hợp đồng - No Form Required), việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không đòi hỏi phải tuân theo bất kỳ điều kiện nào về hình thức: “Bộ nguyên tắc Unidroit không bắt buộc hợp đồng, tuyên bố hay bất kỳ một hành vi nào khác phải được giao kết hay chứng minh bằng một hình thức đặc biệt. Chúng có thể được chứng minh bằng bất kỳ cách thức nào, kể cả bằng nhân chứng”. Tuy nhiên, theo Điều 1.4 của PICC (những quy phạm bắt buộc - Mandatory Rules) thì “Bộ nguyên tắc này không hạn chế việc áp dụng những quy phạm bắt buộc, có nguồn gốc quốc gia, quốc tế phù hợp với các quy phạm có liên quan của Tư pháp quốc tế”, tức là nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng có thể bị hạn chế bởi các quy định riêng của pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế. Theo đó, nếu trong pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế có liên quan bắt buộc hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải lập thành văn bản thì các bên sẽ phải tuân theo quy định này. Cũng theo PICC (Điều 1.11), “văn bản” bao gồm tất cả các hình thức trao đổi thông tin cho phép lưu giữ thông tin chứa đựng trong đó và có khả năng thể hiện dưới dạng hữu hình. Nghĩa là, “văn bản” bao gồm không chỉ điện tín, mà tất cả các cách thức truyền thông khác, kể cả trao đổi thư điện tử, cho phép lưu giữ thông tin chứa đựng trong đó và có thể được thể hiện dưới dạng hữu hình. PICC còn cho phép các bên chủ thể được phép thỏa thuận lựa chọn hình thức hợp đồng (Điều 2.1.13).


Pháp luật Việt Nam quy định hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Trong đó, hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật) (khoản 2 Điều 27, khoản 15 Điều 3 LTMVN 2005). Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật Việt Nam quy định ngoài việc hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản thì còn phải được đăng ký, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có hiệu lực (như hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài).


Về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế


Về hệ thuộc luật được dùng để giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật các nước trên thế giới, các điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam và các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước đều sử dụng giống như cho nội dung của hợp đồng trong Tư pháp quốc tế nói chung[ix].


Xét về pháp luật thực định của Việt Nam, LTMVN 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định chuyên biệt nào về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, vì thế việc xác định vấn đề này sẽ dựa trên quy định chung về nội dung của hợp đồng dân sự trong BLDSVN 2005, theo đó thì nội dung của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể hàm chứa các điều khoản về: 1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; 2. Số lượng, chất lượng; 3. Giá, phương thức thanh toán; 4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên; 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; 7. Phạt vi phạm hợp đồng; 8. Các nội dung khác (Điều 402 BLDSVN 2005). Các nội dung này chỉ mang tính chất gợi mở chứ không phải bắt buộc cho các bên chủ thể, nghĩa là pháp luật Việt Nam không ấn định các điều khoản chủ yếu mà để cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng có quyền tự do thoả thuận. Nội dung của hợp đồng sẽ được coi là hợp pháp nếu như không vi phạm các điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội (Điều 4 và Điều 122 BLDSVN 2005).





i] ThS. Nguyễn Bá Bình, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội

[ii] xem thêm Giáo trình Tư pháp quốc tế - Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2007.

[iii] xem thêm Giáo trình Tư pháp quốc tế - Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2007.

[iv] Theo Điều 6 khoản 1 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 thì “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

[v] Theo tiểu mục 1 của Mục I Thông tư 04/2006/TT-BTM ngày 06/04/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

[vi] Theo Điều 3 Nghị định của Chính phủ số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/05/2007 quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thì: Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận; Thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong Luật Đầu Tư, Luật Thương mại; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Thương mại.

[vii] xem thêm Giáo trình Tư pháp quốc tế - Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2007.

[viii] Xem tham luận Hội thảo Luật Tư pháp quốc tế (trang 30) của Giáo sư BERNARD AUDIT, trường Đại học Paris II- Bản dịch Nhà pháp luật Pháp – Việt tháng 11/1995.

[ix] xem thêm Giáo trình Tư pháp quốc tế - Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2007.