Thursday, April 16, 2009

Chia tay núi rừng...




Đã hứa với bạn bè và với cả chính mình rằng sẽ viết 1 entry về Hà Giang, về chuyến dạo chơi trên núi... nhưng loay hoay mãi với công việc, với cả những khám phá ngoài công việc để rồi 2 tuần đã qua mà vẫn chưa làm được. Chuẩn bị chia tay với miền đất địa đầu đất nước chợt nghĩ về cái tựa đề cho entry này!


Gặp gỡ rồi chia tay... âu đó cũng là lẽ thường với con người và trời đất. Thường cảm giác của lần đầu gặp gỡ đó là sự bỡ ngỡ, còn với chia tay có lẽ là sự hồi tưởng, sự lắng đọng. Vì thế, không gì tốt hơn khi viết về một vùng đất trong bối cảnh sắp chia tay!


Hà Giang... đã tự tìm cho mình vài ba thông tin và thực ra cũng đã được đến với dăm ba vùng đất của núi rừng phía bắc nhưng rồi về Hà Giang trong chuyến đi đầu tiên tới xứ này vẫn mang lại thật nhiều sự bất ngờ thú vị!


8h đồng hồ trên chuyến xe về núi... bất ngờ đầu tiên là khác với sự hình dung về những chuyến xe tới các vùng núi sẽ rất tồi tàn (mà hình như trong sách giáo khoa của mình có 1 truyện ngắn viết về 1 chuyến xe về núi cũng rất tồi tàn thì phải!) thì thực ra mình lại được ngồi trên chiếc xe khách đẹp nhất, sang trọng nhất từ trước tới nay - chiếc xe khoảng 80 chỗ ngồi hiệu Lewich gì đó của Hàn Quốc với màn hình video LCD, điều hòa mát rượi và ghế ngồi xịn như ở nước ngoài và trong phim ảnh. Nghe ông chủ xe bảo, giá của nó khoảng 2,5 tỷ và lại sửng sốt hơn khi biết là hầu hết xe lên xứ này đều đẹp và sang trọng thế. 90.000đ cho cuộc hành trình quả không phải là đắt!


Khác với đi Cao Bằng, Lào Cai hay Yên Bái, về Hà Giang chính là hành trình ngược dòng Sông Lô hùng vĩ... đã từng đi vào thơ ca với những bài hát thật hay như trường ca Sông Lô của Văn Cao hay "Sông Lô chiều cuối năm". Dù nước sông Lô mùa này không nhiều (nghe bảo tại mấy ông bạn Trung Quốc chặn đầu nguồn để làm Thủy điện nên nước lại càng ít!) nhưng nhìn lòng sông rộng với hai bên bờ sồi sụt thì đủ biết sự vĩ đại của dòng sông này đến chừng nào! Thi thoảng ta có thể bắt gặp cảnh một vài chàng trai, thiếu nữ khua mái chèo trên những con thuyền độc mộc trên sông mà tứ phía là núi rừng trùng điệp... Có lẽ để làm thơ hay thì chỉ cần lang thang xứ này mà không đến mức phải vào trường viết văn cũng được!


Rồi cuộc hành trình cũng tới đích khi bạn bắt gặp cầu Yên Biên nối đôi bờ sông Lô ở trung tâm Thị xã. Nơi đó, nếu để ý, bạn sẽ nhìn thấy Kilômét số O đánh dấu điểm đầu tiên của chiều dài đất nước... , đó có lẽ là cái cột cây số to và hoành tráng bậc nhất Việt Nam!


Thị xã Hà Giang theo hình dung của tôi và đã được xác thực bởi dân bản địa thì chính là một thung lũng. Vì thế, khí hậu của nó cũng là khí hậu đặc trưng của thung lũng với buổi sáng thì thường hơi lạnh và sương mù giăng khắp, trưa chiều thì hửng nắng còn về đêm thì nên cẩn thận đắp chăn kẻo bị ốm (, nghe đồn dân Hà nội lên đây khoảng 95% đều bị ốm không ít thì nhiều, không nhẹ thì nặng!). Là vùng rừng núi nên đất đai bằng phẳng không nhiều, vì thế những con phố chạy dọc ngang thị xã hầu hết là bé như con ngõ ở các thành phố lớn. Chả trách anh cán bộ điện lực trên này sau khi uống rượu chới với có tặng tôi câu thơ: "em cũng nhỏ, con đường cũng nhỏ"!


Hà Giang thật lắm cảnh đẹp... đi khoảng 20km ta có thể tới cửa khẩu Thanh Thủy nối Việt Nam - Trung Quốc, hay về Vị Xuyên để tắm suối khoáng. Nếu xa hơn thì với 43km vượt núi băng rừng ta sẽ về Quản Bạ để ngắm "núi đôi" đẹp như đôi gò bồng đảo của thiếu nữ! Lẽ dĩ nhiên về với "Núi đôi" bạn sẽ đi "trên mây" như lời bài hát "Hà Giang quê hương tôi" với những con đường cheo leo, gấp khúc chạy trên đỉnh núi với tứ bề mây phủ. Trên hành trình đó ta cũng có dịp đi qua Cổng Trời với độ cao 1500m so với mực nước biển. Thắng cảnh xa nhất nhưng cũng thu hút du khách nhất khi về Hà Giang chính là Cao nguyên đá Đồng Văn với bạt ngàn đá là đá (người dân trên này thường phải cho đất vào hốc đá để trồng ngô lấy lương thực thì đủ biết đá nhiều thế nào!) và cùng với đó là ngắm cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi địa đầu đất nước! Nếu lãng mạn một chút và để hiểu thêm tình yêu của dân vùng cao, ta nên dự chợ tình Khau Vai chỉ mở mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch!


Hết ngắm cảnh đẹp thì cũng nên nghĩ tới chuyện ăn uống... Về Hà Giang, nếu thích ăn cá ta nên chọn ăn cá Bổng (thứ cá đặc sản thường sống ở Sông Lô), nghe bảo Hà Nội vừa câu được con trắm đen 27kg, nhưng chắc cũng bình thường khi chứng kiến cảnh người dân Bắc Mê trên này câu được con cá Bổng nặng tới 36kg. Nếu thích đồ rừng có thể nếm thịt cầy hương, gà rừng và thịt lợn đen vùng cao! Nói chung toàn đồ thật và rẻ! Nếu sau những chuyến đi ngắm cảnh, thêm mấy chai rượu ngô vùng cao mà ăn những thứ này ở những quán ăn cheo leo lưng chừng núi thì hẳn khi ấy ta thấy mình như những bậc đế vương!


Rồi cũng phải chia tay Hà Giang, chia tay với núi rừng, chia tay với nhiều nhiều cảnh đẹp, món ngon, điều đọng lại nhiều hơn cả hẳn là hình ảnh những con người nơi đây... Hình ảnh những chàng trai, cô gái người Dao, người Mông... và cả những người miền xuôi lên đây lập nghiệp. Họ giống nhau trong sự chất phác, nhiệt thành và hiếu khách! Tôi nhớ câu nói của anh quản lý trạm thủy điện Hà Thanh sau một cuộc hàn huyên giữa núi rừng: "Tất cả... còn lại gì?". Câu nói ấy vẫn day dứt tôi mãi trong miên man suy nghĩ về cuộc sống, về chuyến đi này... Vẫn biết chia tay Hà Giang ta lại tới những vùng đất, lại gặp gỡ... Cái còn lại sau mỗi cuộc đi là gì nhỉ? Với Hà giang, thật khó để nói trong một câu hay một từ nào đó!

Saturday, April 4, 2009

Đàn ông... là những chuyến đi!



Nếu bạn hỏi: đàn ông là gì? tôi là người thế nào? Tôi thích câu trả lời: tôi, đàn ông là "những chuyến đi"!


Đàn ông khác đàn bà... Hẳn rồi, khác từ cái cấu trúc vốn có của thượng đế ban cho. Nhưng hơn thế, họ khác nhau trong "ham muốn" về cái gọi là hạnh phúc. Đàn bà thường quan niệm hạnh phúc là luôn được "bình yên". Đàn ông thì khác, "hạnh phúc" là sự tái lập "bình yên" sau những ngày xông pha. Đàn ông thường không hài lòng với cái đã đạt được mà luôn tìm kiếm sự thay đổi. Vì thế đàn ông cần những chuyến đi, và tâm hồn họ cũng chính là "những chuyến đi"!

Đi về phía biển... Biển thường được ví là đàn bà. Đàn ông thích đi về phía biển khi họ chợt nhận ra tâm hồn mình dường đã khô cằn. Bỏ lại thành phố sau lưng trên những chuyến tàu, chuyến xe ra biển. Họ mong tìm thấy trên bờ cát hình bóng của chính mình, của một thời "dậy sóng"...

Đi về phía núi... Núi rừng khác với Biển. Ra Biển ta có thể nhìn tít tận chân trời, đến Núi thì phải ngước mắt lên để tìm Mây. Vì thế, núi rừng như tượng trưng cho những thử thách cam go. Tránh xa những ngày ngủ trong ôtô, ngồi yên trên xe máy... đàn ông tìm đến núi để được leo, được trèo, được tự mình tìm thấy những con đường chưa ai qua. Đàn ông thấy sung sướng khi phát hiện ra mình vẫn còn có ham muốn tìm điều lạ - cái tưởng chừng đã quên cùng với nhịp công việc đời thường!

Đi về phía mặt trăng... lẽ ra nên viết là mặt trời, cái câu nghe quen hơn, nhưng không thể: đàn ông là mặt trời mà (người ta thường ví đàn ông vậy cho hoành tráng! Smile)! Đàn ông theo đúng bản năng của họ, thường thích đi về phía mặt trăng, không kể hôm đó là trăng tròn hay khuyết! Có câu hát: "sao anh lại ngỏ lời vào một đêm trăng khuyết?". Nhưng với đàn ông, con gái mãi vẫn là những vầng trăng "đang tròn"! Đi về phía mặt trăng, đàn ông tìm thấy sự mạnh mẽ pha lẫn sự yếu đuối của chính mình. Nơi đó có cảm giác đàn ông vừa uống xong 1 vại bia lạnh tê tái giữa mùa đông thì gặp ngay 1 ly Shochu Nhật nóng hổi!

Đi về... đâu? Rồi có khi đàn ông không biết đi về đâu. Họ không còn mơ đi về Biển, về Núi, hay về phía mặt trăng! Khi đó đàn ông chợt nghe văng vẳng những câu hát như trong bài Dệt tầm gai:
"Về đi anh...
Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh.
Về đi anh...

Cài then những ngón tay trầy xước của em... bằng anh"!

Khi người ta trẻ...



30 tuổi (tính theo lịch của các cụ), 7 năm trong nghề, chợt giật mình khi tình cờ xem 1 TV Show với cái tên khá thú vị "Khi người ta trẻ...". Giật mình khi tự hỏi bâng quơ: mình có còn được coi là trẻ hay không nhỉ?


Cứ tự cho mình cũng đang là người trẻ, ý tưởng gì cho phần còn lại của mệnh đề đang mở "khi mình đang trẻ..."?

Ngày xưa các bậc vua chúa thường mong mình được sống lâu muôn tuổi, thường đi tìm cho mình những thang thuốc "trường sinh bất lão". Đó có lẽ cũng là 1 minh chứng mang tính lịch sử về ước mong được trẻ mãi không già.

Còn nay ước mong đó vẫn tiếp tục thể hiện sự trường tồn - dù với 1 ý nghĩa khác, không nặng về những luyến tiếc vinh hoa phú quý như thời xưa. Tôi có 2 người bạn khá thân, một người là quan chức của 1 Bộ, đã hơn 50 tuổi, người còn lại là giảng viên đại học, gần 36 tuổi. Người bạn già nhất thường nói rằng, anh mong được như chúng tôi - tuổi còn trẻ, còn nhiều cơ hội, mọi thứ với anh giờ muộn quá rồi. Người bạn còn lại thỉnh thoảng lại bảo tôi, giá anh vào tuổi như em bây giờ thì tốt biết bao. Suy cho cùng, ước mong được trẻ lại của những người thời nay chính là ước mong về việc được thử sức với những thách thức mà khi người ta thêm một tuổi, người ta không còn nhiều thời gian để mạo hiểm với cuộc đời nữa.

Khi người ta trẻ - là khi quỹ thời gian của ta còn nhiều - ta có thể mạo hiểm với những dự tính, chấp nhận những sai lầm, đúc rút kinh nghiệm để làm nên thành công cho riêng mình. Vậy thì câu trả lời hẳn là: khi mình đang trẻ hãy dám ước mơ (dù đôi khi hơi viễn vông), hãy dám thực hiện những hoài bão, hãy biết buồn khi thất bại và kiêu hãnh khi thành công... và nếu thêm 1 chút trầm tĩnh của những người cao tuổi có lẽ cuộc đời sẽ đẹp hơn và ta không bao giờ phải luyến tiếc để thốt lên "giá như ta còn đang trẻ"!