Thursday, October 30, 2008

Viết tặng những nỗi buồn...

Tặng em - những nỗi buồn của tôi!

Nghe như vô lý khi viết tặng những nỗi buồn! Nhưng đôi khi lại thấy vui vui khi tự nghĩ nỗi buồn như một người tình tuyệt vời nhất của mỗi chúng ta. Thực sự đi cùng ta đến chân trời góc bể, tới đầu bạc răng long mà nào cần chi một lời thề thốt. Vậy thì sao ko dành đôi lời để tặng em - những nỗi buồn của tôi!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Cuộc đời tôi, như vô vạn cuộc đời có thể tự ví như một phép cộng của niềm vui, sự vô cảm và những nỗi buồn. Tôi là người lạc quan, thường tự bông đùa "đời mình" để biến cả những nỗi buồn thành niềm vui - có lẽ những lúc thế tôi đã vô tình làm tổn thương "những nỗi buồn"! Đôi khi nghĩ lại, tôi bỗng buồn để... bù đắp em - những nỗi buồn của tôi!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Tôi tự ví mình như một kẻ lang thang trong cuộc đời... Lang thang để tìm niềm vui và nhiều khi tôi đi tìm em - những nỗi buồn! Dầu tôi biết, người đời dẫu gặp em nhiều hơn niềm vui nhưng họ thường dằn vặt và hắt hủi em. Tôi mong mình đc khác họ - tôi đi tìm em, để hiểu hơn về những nỗi buồn và lại quý thêm những niềm vui!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Tôi gặp em sau những nụ cười, gặp em sau những cuộc vui, gặp em sau cả những vinh quang... Tôi tặng em gì đây, ngòai những lời sáo rỗng, có lẽ... tôi đã tặng gần như cả đời mình cho em! Vì niềm vui,... có mấy đâu!


Wednesday, October 22, 2008

Lang thang...



Lại một chuyến đi... Lần nào cũng thế, khi bế tắc trong những dự định, mình lại tìm giải pháp bằng những chuyến đi.


8h sáng lò mò lên sân bay, sau hơn 2h ngồi trên quả Boeing 321 mình có mặt ở xứ nóng Sài gòn và lại tiếp tục 4h trên con xe khá mới Altis thẳng tiến Trà Vinh. Hơn 1 năm trở lại xứ này, vẫn có những nét thân quen, nhưng không thiếu những điều mới lạ...


Ngồi nhìn bạt ngàn cây cối và sông nước cứ lùi lại dần phía sau, lại thấy những hăm hở tuổi trẻ tràn về. Có lẽ mình không nhầm khi chọn lựa chuyến "nam tiến" này. Con người và miền quê xứ này cho mình nhiều cảm giác rất thú vị. Mình cần thế, một chuyến "đi chơi" thật hữu ích cho những kẻ thích phiêu du...


Ngày đầu tiên ở vùng đất Khơ me, nơi những cô gái có vẻ đẹp như thánh thần. Mình nhớ, trở về sau lần đầu tới nơi này, mình đã làm khối anh em thấy tò mò và "ganh tị" khi nói rằng: mình đã gặp một cô gái có vẻ đẹp như đức mẹ Maria! Khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, đủ để khiến bao kẻ bỗng dưng trở thành nhà thơ...


Ôi..., chỉ còn biết mượn lời thơ của một thi sĩ nổi tiếng...!



KÝ ỨC MẮT ĐEN





Đen và long lanh hai hạt nhãn Hưng Yên


ngỡ than đá Quảng Ninh cũng không đen và long lanh đến thế


đen và long lanh đã hớp hồn anh


18 ngàn năm


18 vạn năm


anh không nhớ rõ.




Đập vỡ thuỷ tinh cũng chẳng còn rượu nữa


đập vỡ tượng người có gặp trái tim yêu?


anh đập vỡ anh và anh nhìn thấy


đen và long lanh xa lắc bỗng hiện về...




Không phải đen của đêm tối châu Phi man man cuồng dại


không phải đen của hố thẳm chiến tranh thủ đoạn điên rồ


không phải đen của mực Tàu tài hoa thư pháp


không phải đen của dòng sông con đường phát sáng cơn mơ...




Đen và long lanh hiền dịu dại khờ


đen lúng liếng dân ca đen ngân nga lễ hội


hoá đá anh mắt em 18 tuổi


18 ngàn năm hay 18 vạn năm?




Ông Già Thời Gian ngỡ như chẳng già hơn


bạc trắng nụ cười tìm anh hỏi nhỏ:


- đen và long lanh thuở xa ấy đâu rồi?



- Đen và long lanh vẫn lẽo đẽo bên trời


dẫu anh nằm dưới cỏ


khi mùa xuân xao xuyến còn tươi!...

Monday, October 20, 2008

Ngày không em...

Nhân ngày 20/10 - một ngày đặc biệt cho những người con gái, người mẹ, người chị xứ mình. Xin được mượn lời thơ của một thi sĩ cùng quê để gửi tặng 1 nửa của đất nước - như một lời tôn vinh và để thấy giá trị hơn những ngày "có em"!

NGÀY KHÔNG EM

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...




Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc




Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...




Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...




Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt




Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng




Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Friday, October 17, 2008

Bầu cử tổng thống Mỹ...

Bầu cử tổng thống Mỹ - gian nan và vinh quang![1]


Đến hẹn lại lên, cứ bốn năm một lần không chỉ người Mỹ mà cả thế giới lại tốn chẳng biết bao nhiêu giấy bút và thời gian dõi theo cuộc bầu cử tổng thống của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này. Năm nay cũng vậy, dẫu cho khủng hoảng tài chính đang là chủ đề nóng cho toàn thế giới nhưng nó cũng không làm nguội đi bao nhiêu cuộc chiến đang vào hồi kết giữa hai ứng viên tổng thống John Mc Cain và Barack Obama. Trước khi đón chờ một vị tân tổng thống mới của nước Mỹ, thử nhìn lại đôi nét chủ đạo của cả một chặng đường bầu cử chông gai.


Để trở thành ứng viên tổng thống


Theo quy định của Hiến pháp Mỹ (nêu rõ tại điều I và II), một người muốn ứng cử vào ngôi vị tổng thống thì phải thỏa mãn 3 điều kiện cơ bản: công dân Mỹ, ít nhất 35 tuổi, cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm. Thêm vào đó, với Điều sửa đổi, bổ sung thứ 22 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1951, tổng thống Mỹ không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Vì lẽ đó, đương kim tổng thống George W. Bush không thể tiếp tục ra tranh cử cho nhiệm kỳ sắp tới.


Chỉ định ứng cử viên tổng thống


Hiến pháp Mỹ không có quy định nào đề cập về các nguyên tắc chỉ định ứng viên tổng thống của các đảng phái chính trị. Đơn giản vì vào giai đoạn soạn thảo cũng như phê chuẩn Hiến pháp (cuối những năm 1700) thì chưa có bất kỳ đảng phái nào và những người sáng lập nền cộng hòa ở Mỹ cũng không quan tâm đến việc quy định thủ tục đối với các đảng phái chính trị.


Tới đầu năm 1796, các nghị sĩ Mỹ thuộc các đảng phái nhất định đã tiến hành nhóm họp không chính thức để đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống của đảng mình. Hệ thống bầu chọn ứng viên kiểu này còn được gọi là cuộc họp kín của nhà Vua đã kéo dài trong suốt 30 năm trước khi bị phá vỡ vào năm 1824 bởi việc phi tập trung hóa quyền lực chính trị sau khi nước Mỹ mở rộng về phía Tây. Sự lựa chọn tiếp theo và hiện đang được vận hành để lựa chọn ứng viên tổng thống chính là đại hội toàn quốc của các đảng. Sự kiện đánh dấu cho lựa chọn kiểu này bắt đầu vào năm 1831 khi Đảng Anti-Mason, một đảng nhỏ ở Mỹ đã tổ chức họp tại một quán rượu ở thành phố Baltimore thuộc Bang Maryland để chọn ra ứng viên tổng thống. Chỉ một năm sau đó, Đảng dân chủ cũng họp tại quán rượu này để lựa chọn ứng viên của mình. Dần dần việc họp - đại hội toàn quốc của các đảng để chỉ định ứng viên tổng thống đã trở nên quen thuộc cho từng kỳ bầu cử.


Đại hội toàn quốc của các đảng


Trong suốt hai thế kỷ XIX, XX, các đại hội chỉ định ứng viên tổng thống thường bị chi phối bởi lãnh đạo của đảng tại các Bang. Họ dùng ảnh hưởng của mình để chọn đại biểu đi dự đại hội của Bang và chắc chắn rằng những đại biểu này sẽ bỏ phiếu theo như mình dự kiến tại đại hội đảng toàn quốc. Do gặp phải sự phản đối từ công chúng, yêu cầu về cải cách quy trình lựa chọn này đã được đặt ra theo hướng cử tri được bầu đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc. Các cuộc bầu cử sơ bộ (của Đảng) đã ra đời để thực hiện sứ mệnh đó. Cho dù khởi nguồn từ năm 1916 và bị thui chột trong một thời gian ngắn từ sau thế chiến thứ nhất, nhưng với tiến trình gia tăng dân chủ từ sau thế chiến thứ hai việc bầu cử sơ bộ lại tiếp tục được hồi sinh và tiếp tục cho tới ngày nay. Hiện hầu hết các Bang ở Mỹ đều tiến hành bầu cử sơ bộ để lựa chọn đại biểu tham gia đại hội đảng toàn quốc. Tùy thuộc pháp luật của mỗi Bang mà cử tri có thể bỏ phiếu bầu ứng viên tổng thống của đảng và bỏ phiếu bầu vào một danh sách các đại biểu cam kết, hoặc cũng có thể gián tiếp bỏ phiếu cho một ứng viên trong một cuộc họp kín bằng việc bầu chọn đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc và những đại biểu này có sự cam kết ủng hộ ứng cử viên nhất định nào đó. Khác với việc bầu cử sơ bộ đơn thuần, theo quy trình họp kín, những cử tri sống tại một khu vực địa lý nhỏ (khu vực bầu cử địa phương - xã, phường) sẽ họp để bỏ phiếu bầu các đại biểu - những người đã có cam kết về việc sẽ ủng hộ ứng viên tổng thống cụ thể. Sau đó, các đại biểu được chọn sẽ đại diện cho các khu vực của mình để dự đại hội của Hạt để tiếp tục chọn ra các đại biểu tham gia đại hội đề cử của Quận và của Bang. Những đại biểu dự các đại hội cuối cùng này sẽ bầu các đại biểu đại diện cho Bang tại đại hội đảng toàn quốc. Cho dù quy trình này có thể kéo dài khá lâu - trong vài tháng, nhưng thực tế cho thấy các ứng viên được ưa thích thường được quyết định ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.


Cũng như những cuộc bầu cử trước đó, năm nay việc bầu cử sơ bộ hay tiến hành họp kín ở các Bang để lựa chọn các đại biểu đi dự đại hội toàn quốc của từng đảng phái đã diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6. Đại hội toàn quốc của hai đảng dân chủ và bảo thủ cũng đã được tổ chức để chọn ra ứng viên tổng thống của họ. Dù gọi là đại hội, nhưng thực ra nó chỉ là hoạt động mang tính hình thức, bởi lẽ từ những năm 70 đến nay, trước khi diễn ra đại hội của các đảng phái chính trị thì dân chúng đã biết chắc ai sẽ là ứng cử viên tổng thống. Mc Cain và Obama cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, các đại hội ngày nay chỉ như một buổi ra mắt chính thức ứng viên tổng thống của đảng, bí mật được tiết lộ có chăng chỉ là gương mặt của ứng viên phó tổng thống. Tuy thế, với sự quan tâm đặc biệt của công chúng tới sự kiện này, Đại hội đảng chính là một dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh của ứng viên tổng thống.


Tổng tuyển cử...


Người Mỹ không bỏ phiếu bầu trực tiếp tổng thống mà bỏ phiếu trong phạm vi từng Bang để bầu lên một nhóm đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống cụ thể. Số đại cử tri tương ứng với số thành viên Quốc hội của Bang đó, tức là bằng số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của Bang. Để dành được chức tổng thống thì ứng cử viên phải có được ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri của 50 Bang (bao gồm cả 3 phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington thuộc Quận Columbia - dù đây không phải là một Bang và cũng không có đại diện có quyền bỏ phiếu nào tại Quốc hội).


Vào ngày tổng tuyển cử, tại mỗi Bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẳn cho vị trí đại cử tri tổng thống mà đại diện cho nhiều ứng viên tổng thống khác nhau. Tuy nhiên, lá phiếu Bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống. Đa số Bang sử dụng lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (ví dụ Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa) thì được coi là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri tổng thống thuộc đảng đó. Tại những Bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của Bang đó (theo hình thức đa số hay tuyệt đối). Riêng tại Maine và Nebraska thì hai đại cử tri được bầu lên thông qua bầu phiếu phổ thông trên toàn bang, những đại cử tri còn lại được bầu thông qua bầu phiếu phổ thông tại mỗi khu vực bầu cử quốc hội của các bang đó (mỗi khu vực sẽ chọn ra một đại cử tri).


Sau 41 ngày kể từ ngày tổng tuyển cử, các đại cử tri tổng thống của mỗi Bang (và Quận Columbia) họp lại để thực hiện việc bỏ phiếu đại cử tri. Hầu hết các đại cử tri tổng thống đều sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trường hợp đại cử tri thuộc Đảng lại bầu cho ứng viên thuộc Đảng khác - họ được gọi là "đại cử tri không trung thành".


Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ tiến hành nhóm họp cả Hạ viện và Nghị viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng cử viên nhận được 270 hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống sẽ trở thành tổng thống đắc cử. Hiến pháp Mỹ cũng quy định rằng, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ phải quyết định. Theo đó, tất cả các hạ nghị sĩ của mỗi Bang sẽ phải bỏ phiếu với tư cách một đơn vị. Mỗi Bang và Quận Columbia được phân bổ một lá phiếu duy nhất.


Như vậy, phiếu bầu phổ thông của các cử tri không có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn tổng thống mà ứng viên đắc cử sẽ phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri có được ở từng Bang. Thực tế đã có 17 cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ người thắng cử không phải là người giành được đa số phiếu phổ thông. Nhân vật đầu tiên là John Quincy Adams vào năm 1824 và gần nhất chính là đương kim tổng thống George W. Bush trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000.


Đôi dòng đọng lại...


Theo một quy trình bầu cử rất đặc biệt ở một xứ sở đặc biệt, người Mỹ chọn cho mình ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử chính thức trên toàn quốc. Năm nay cũng vậy, chỉ còn vài tuần nữa, dù đã trải qua hai vòng tranh luận trực tiếp về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội giữa Mc Cain và Obama, dường như dự đoán về nhân vật quyền lực số 1 của nước Mỹ nhiệm kỳ tới vẫn còn quá nhiều ẩn số. Chờ đợi kết quả kiểm phiếu của từng Bang trong sự hồi hộp của quá trình gom phiếu đại cử tri chính là những khoảnh khắc thú vị cho không chỉ hai ứng cử viên mà của cả triệu triệu người trên hành tinh này trong những ngày sắp tới. Chiến thắng trong cuộc lựa chọn ứng viên của Đảng đã là vinh quang, nhưng chưa đủ, cần thêm một chiến thắng nữa tại trận tuyến đại cử tri. Tổng thống Mỹ - nhân vật quyền lực nhất của cường quốc số 1 thế giới dường như là phần thưởng xứng đáng để vinh danh người đã vượt qua cả một chặng đường bầu cử gian nan!









[1] ThS luật học Nguyễn Bá Bình, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

Wednesday, October 1, 2008

Thủ tục xuất nhập khẩu...


Cẩm nang pháp luật của doanh nghiệp

- Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu

Tác giả : Ths Nguyễn Bá Bình, TS. Nguyễn Hồng Bắc

Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU

Khi kinh tế ngày càng phát triển thì sự giao thương kinh tế cũng diễn ra càng sâu, rộng. Các doanh nghiệp được tự chủ hơn trong việc tìm hướng đi thích hợp cho mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây là một trong những quyền năng được doanh nghiệp hết sức quan tâm trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.


Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp, những thông tin hữu ích về thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn sách “Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu”.


Đây là cuốn sách hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các thủ tục xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.



BỐ CỤC


Phần I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN
VÀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

I. Khái niệm về thủ tục hải quan và chế độ kiểm tra, giám sát hải quan


II. Khai hải quan và chế độ đăng ký khai hải quan


III. Xuất trình đối tượng kiểm tra hải quan và chế độ kiểm tra đối chiếu hải quan


IV. Nộp - thu thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật


V. Thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải


VI. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu


VII. Nguyên tắc, địa điểm tiến hành thủ tục hải quan


VIII. Quá trình phát triển của pháp luật quy định về thủ tục hải quan


Phần II

THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Mục I

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa

xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

I. Khái quát chung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


II. Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


III. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


IV. Vấn đề quản lý rủi ro trong quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại


V. Thủ tục hải quan đối với một số loại hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại


Mục II

Thủ tục hải quan Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác

I. Hàng hoá xuất, nhập khẩu tại chỗ


II. Hàng hoá bán tại cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế


III. Hàng hoá xuất, nhập khẩu theo đường bưu chính


Mục III

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
không nhằm
mục đích thương mại

I. Khái quát chung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại


II. Thủ tục hải quan đối với một số loại hàng hóa phi mậu dịch


Mục IV

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển cảng,
chuyển cửa khẩu, quá cảnh

I. Hàng hóa xuất, nhập khẩu chuyển cảng


II. Hàng hoá xuất, nhập khẩu chuyển cửa khẩu


III. Hàng hoá quá cảnh


Mục V

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế

I. Hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển


II. Hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do, khu phi thuế quan (gọi tắt là khu thương mại tự do)


III. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan


IV. Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho bảo thuế


Phần III

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI
XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH VÀ QUÁ CẢNH

I. Khái quát chung về phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh


II. Thủ tục hải quan đối với các loại phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh


Phần IV

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ
XUẤT, NHẬP KHẨU TRONG CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ HẢI QUAN MÀ VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN

I. Xu hướng phát triển của Hải quan thế giới


II. Các Điều ước quốc tế về Hải quan


1. Công ước về thành lập Hội đồng hợp tác hải quan


2. Công ước Kyoto về đơn giản hoá, hài hoà hoá thủ tục hải quan


3. Công ước HS - Hệ thống điều hoà trong mô tả và mã hoá hàng hoá


4. Hiệp định CVA - Hiệp định định giá hải quan

5. Hiệp định Hải quan ASEAN

Bảo hộ quyền tác giả...


Công ước Berne 1886 - công cụ hữu hiệu bảo hộ quyền tác giả


Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU


Quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả đã và đang thực sự là “chủ đề nóng” cho không chỉ giới luật học mà còn của các nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản… Điều này cũng thật sự dễ hiểu khi chúng ta đang sống và làm việc trong nền kinh tế tri thức - nơi mà hơn lúc nào hết giá trị của chất xám, của những tài sản vô hình được tôn vinh. Cũng cần thấy rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chỉ cần một cú “kích chuột” trong vài giây bạn đã có thể nhận hàng loạt thông tin, đọc được vô số bài viết của tác giả các nước khắp nơi trên thế giới, bạn cũng có thể dễ dàng truyền đi các tác phẩm của mình để chia sẻ với hàng trăm triệu công dân trên thế giới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về bảo hộ một cách hữu hiệu quyền tác giả không chỉ trong phạm vi của một quốc gia mà trên khắp toàn cầu là một điều tất yếu. Nghiên cứu về bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là bảo hộ quyền tác giả ở phạm vi liên quốc gia để có thể bảo hộ hợp lý quyền và lợi ích của các tác giả trong nước, tránh được các tranh chấp về quyền tác giả với các quốc gia khác và giúp các nhà xuất bản có thể ký hợp đồng và xuất bản được các tác phẩm nước ngoài một cách thuận lợi rõ ràng là những nghiên cứu vô cùng hữu ích.


Với sự kiện Việt Nam gia nhập công ước đầu tiên trên thế giới về bảo hộ quyền tác giả, Công ước Berne được đánh giá là một trong những trụ cột để bảo hộ quyền tác giả ở nước ta. Công ước Berne chính thức có hiệu lực ở Việt Nam từ hơn một năm qua, là một Công ước với nhiều nội dung vẫn đang là chủ đề tranh luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu và thực thi pháp luật. Với mục đích góp phần từng bước làm rõ các quy định của Công ước, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận, vận dụng nội dung của Công ước trong sự so sánh với pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Công ước Berne 1886 - Công cụ hữu hiệu bảo hộ quyền tác giả” của Thạc sỹ luật học Nguyễn Bá Bình, cán bộ giảng dạy tại Khoa luật quốc tế và kinh doanh quốc tế thuộc đại học Luật Hà Nội và Phạm Thanh Tùng, chuyên viên Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà xuất bản Tư pháp và các tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa nội dung cuốn sách cho lần xuất bản tiếp theo.



BỐ CỤC


Phần thứ nhất

KHÁI LƯỢC VỀ QUYỀN TÁC GIẢ

VÀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Phần thứ hai

KHÁI QUÁT VÈ SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN

CỦA CÔNG ƯỚC BERNE

Phần thứ ba

NHỮNG NỘI DUNG CẦN HIỂU RÕ

ĐỂ VẬN DỤNG TỐT CÔNG ƯỚC BERNE

Phần thứ tư

VẬN DỤNG CÔNG ƯỚC BERNE

TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP THỰC TẾ

Phụ lục 1

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật

Phụ lục 2

Những điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển

Phụ lục 3

Danh mục các quốc gia thành viên công ước Berne

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp...


Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam - pháp luật và thực tiễn


Nxb Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU


Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, sự gia tăng, đa dạng của các loại hình sản phẩm, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, mà ngày một chú trọng hơn đến hình thức của sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm với kiểu dáng công nghiệp tối ưu, thu hút được sự quan tâm của công chúng; việc đầu tư vào nghiên cứu, triển khai áp dụng các kiểu dáng công nghiệp mới ngày một được chú trọng. Khi kiểu dáng công nghiệp là một trong những lợi thế cạnh tranh, thì đồng thời những hoạt động nhằm “cướp đoạt” thành quả của người khác sẽ xuất hiện - sử dụng kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp khác đầu tư vào sản phẩm của mình xảy ra ngày một nhiều, dưới các hình thức tinh vi. Bởi lẽ kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng mang lại “sức thu hút” của sản phẩm, tuy nhiên nó lại không phải là bí mật, rất dễ bị sao chép. Thực tế rất nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất chân chính đã bị “nhái” lại kiểu dáng công nghiệp, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp.


Để đảm bảo cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh, một sự phát triển kinh tế bền vững, yêu cầu về sự hình thành và tăng cường cơ chế bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bằng pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả kiểu dáng công nghiệp, các doanh nghiệp là chủ sở hữu hợp pháp kiểu dáng công nghiệp và đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết.


Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng pháp luật về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam vẫn thực sự còn nhiều hạn chế, bất cập. Các quy định về kiểu dáng công nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong chương quy định về sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự. Việc tiến hành bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thực tế chủ yếu chỉ dựa vào các văn bản dưới luật của Chính phủ và các bộ liên quan. Nhưng xét về hiệu lực của các văn bản này thì không cao, hơn nữa lại không có tính ổn định lớn và còn rất sơ lược. Chính vì vậy, một trong những nhu cầu cấp bách đặt ra là cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam, trong đó có chú ý tới sự tương thích với các điều ước quốc tế và thông lệ phổ biến của thế giới để tạo tiền đề thuận lợi cho công cuộc hội nhập kinh tế - quốc tế ở nước ta.


Trước đòi hỏi đó, Nhà xuất bản Tư pháp giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm “Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam - pháp luật và thực tiễn”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, đây là một cuốn sách có ý nghĩa lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện pháp luật và hoạt động thực thi bảo hộ về quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam.


Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!



BỐ CỤC


Chương I

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ KDCN VÀ BẢO HỘ KDCN


I. Khái niệm KDCN


II. Tiêu chí bảo hộ KDCN


III. Phân loại KDCN


IV. Các chức năng của KDCN


V. Mối quan hệ giữa KDCN với sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hoá và đối tượng của quyền tác giả


VI. Bảo hộ quyền sở hữu KDCN



Chương II

PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ KDCN Ở VIỆT NAM


I. Sự hình thành và phát triển của pháp luật về bảo hộ KDCN ở Việt Nam


II. Khung pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hộ KDCN


III. Các biện pháp thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở hữu KDCN



Chương III

THỰC TIỄN BÀO HỘ KDCN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VIỆC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

I. Thực tiễn bảo hộ KDCN ở Việt Nam


II. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ KDCN ở Việt Nam


III. Một số kiến nghị hoàn thiện việc thực thi pháp luật bảo hộ KDCN ở Việt Nam



Kết luận


Phần Phụ lục