Monday, February 16, 2009

Khúc hát sông quê...



Đây có lẽ là một trong những bài thơ về quê hay nhất của Việt Nam! Dù cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã rất kỳ tài khi phổ nhạc để làm nên một bài hát nổi tiếng cùng tên, nhưng có lẽ những ý tứ ẩn sau từng lời thơ mà Lê Huy Mậu viết ra còn sâu và xa hơn nữa...


Khúc hát sông quê
(Lê Huy Mậu)

Ngỡ như người đã hát thay tôi
Ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát

Tuổi thơ ơi!
Quá nửa đời phiêu dạt
Ta lại về úp mặt vào sông quê
Như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che…


Xin bắt đầu từ hạt phù sa
Ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
Ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành...


Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
lại nghe nói
thuở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước…


Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta…


Này dòng sông!
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng…
Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba…tháng năm…tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng…


Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đến trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…


Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm…
trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng !…

Monday, February 9, 2009

Dân luật: Họ là ai?!



Dân Luật, họ là ai? Câu hỏi nghe cứ như tên của mấy cuốn sách viết về các lãnh tụ. Cũng đúng thôi, chúng ta đang cố đi tìm sự tóm gọn tư tưởng về một loại người.


Dĩ nhiên, chẳng phải làm từ điển nên cái định nghĩa rút ra chỉ là một sự đánh giá kiểu "cho nó vui"! Vì thế, sao không định nghĩa về dân Luật theo kiểu "nói xấu" họ nhỉ! Nhằm theo hướng đó, "loại dân" này có thể tóm gọn trong mấy từ: Cướp, Nổ và cứ mở mồm là "Nếu"!


Cướp... Trong số các loại "dân", những người thuộc giới luật thường tự xếp mình một cách khôi hài là một dạng "kẻ cướp". Chỉ có điều thứ họ cướp dường có thể nhận được sự cảm thông của mọi người: "cướp diễn đàn"! Vì cái đặc tính này mà dân tình thường bảo nhau: cứ nhìn vào một bàn nhậu, kẻ nào nói nhiều nhất thì ắt có căn duyên gì đó với giới luật rồi! Trong giới thường nghe đồn có 1 slogan rất hầm hố kiểu Abramovic của Chelsea là: "Không có gan cướp diễn đàn thì đừng nhận mình là dân Luật"!


Nổ... Ở xứ ta, một từ rất hay cũng có gắn bó kha khá với dân luật: "nổ". Đó là từ thường được dùng để diễn tả cho đôi khi sự hùng biện bị đẩy tới "cùng cực"! Đã mang cái mệnh đèo bòng luật học, hiếm ai tránh khỏi đôi phút được coi là "nổ" - trong giới họ nói vui: đó là lúc "thăng hoa"! Dẫu sao cũng có nhiều loại nổ: nổ kiểu bỏng ngô, nổ kiểu lạc rang, nổ kiểu tép mỡ... Đạt đến tầm "nổ" có nghệ thuật hay còn gọi "nổ như không" - kiểu "sắc sắc, không không" thì e rằng chỉ có những bậc đại thụ trong giới!


Nếu... Với dân luật, nói ngọng từ nào còn có thể chấp nhận được nhưng dứt khoát phải nói được từ "Nếu" thật gọn ghẽ. Đối với họ, chân lý luôn tùy thuộc hoàn cảnh và vì thế chẳng cái gì không thể, cũng như chẳng có gì là chắc chắn. Tất cả tùy thuộc vào "Nếu"! Khi hỏi dân luật, bạn yêu từ nào nhất, chắc hẳn đa số sẽ trả lời: "Nếu"! Vì thế đừng bao giờ hỏi dân luật đại loại như: chiều nay có đi uống bia không? Vì họ sẽ trả lời: Nếu có thể thu xếp được! Tốt hơn hết, bạn cứ đến gọi cho mình 1 cốc bia và... Alo!