Tuesday, November 18, 2008

Tản mạn chuyện bồi thường Nhà nước...

Luật bồi thường nhà nước

- nước Nhật có thể là một tấm gương?

Thạc sỹ luật học Nguyễn Bá Bình

- Cố vấn pháp lý của Hãng luật WINLAW

(Bài viết cho Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp, số chủ nhật 23/11/2008)



Từ “Vua không bao giờ sai” đến “bồi thường nhà nước”


“Vua không bao giờ sai” đã là quan điểm đưa tới kết cục bồi thường nhà nước chưa bao giờ được đặt ra ở bất kỳ quốc gia nào cho tới trước thế kỷ 20. Tuy thế, chỉ với hơn 100 năm ra đời thì đã ngày càng có nhiều quốc gia thừa nhận vấn đề này trong pháp luật. Cùng với Luật bồi thường nhà nước ở Đức năm 1909, ở Mỹ năm 1946, ở Anh năm 1947 thì Nhật Bản được xem như một trong những quốc gia trên thế giới sớm có đạo luật về vấn đề này - Luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 1947. Dự thảo Luật về bồi thường nhà nước của Việt Nam cũng đã được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp lần này và có thể sẽ được thông qua trong năm tới. Làm luật thời nào cũng thế, cần có tinh thần tiếp thu tinh hoa pháp lý của nhân loại, đặc biệt là pháp luật những nước có nhiều sự tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nếu thế, thử xem Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản có gì hay?


Luật “nhỏ” nhưng phạm vi điều chỉnh không nhỏ


Một điều không khỏi ngạc nhiên đối với người xứ ta - nơi mà một đạo luật thường được cấu trúc khá đồ sộ với nhiều Chương mục, điều khoản là Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản lại chỉ vỏn vẹn với 6 điều luật (Điều 1: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do thực hiện công quyền; Điều 2: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do sai phạm trong xây dựng và quản lý công trình công cộng; Điều 3: trách nhiệm cá nhân trong hai trường hợp nói tại Điều 1 và Điều 2; Điều 4: vấn đề áp dụng đồng thời Bộ luật dân sự để giải quyết bồi thường nhà nước; Điều 5: vấn đề áp dụng các đạo luật có liên quan đến bồi thường nhà nước; và Điều 6: vấn đề bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài). Tuy thế, đạo luật này vẫn vận hành tốt với sự hỗ trợ của các học thuyết pháp lý, các văn bản pháp luật khác cũng như án lệ liên quan đến vấn đề yêu cầu bồi thường nhà nước.


Cho dù không quy định cụ thể các lĩnh vực mà Nhà nước phải bồi thường, nhưng qua việc diễn giải Điều 1 và Điều 2, ý kiến của các chuyên gia pháp lý Nhật Bản cũng như thực tiễn thi hành Luật bồi thường nhà nước đều thể hiện rằng bồi thường Nhà nước có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào: từ lập pháp, hành pháp cho tới tư pháp. Dù không loại trừ áp dụng nhưng cho tới nay số vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước đối với lĩnh vực lập pháp và tư pháp ở Nhật Bản là không nhiều.


Đối với lập pháp, với sự hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, hiệu quả của các nghị sỹ dẫn tới các sai sót trong các đạo luật được ban hành gần như ít khi xảy ra. Mới chỉ có một án lệ liên quan tới việc Nghị viện Nhật Bản không ban hành một đạo luật để giải quyết một nạn dịch ở nước này. Trong vụ việc đó, những người bị thiệt hại đã yêu cầu Nhà nước bồi thường và họ đã thắng kiện.


Về tư pháp, thông qua hai cấp xét xử nhằm dùm tòa án cấp trên có cơ hội sửa chữa sai sót của tòa án cấp dưới, đồng thời bằng việc nâng cao điều kiện làm việc của thẩm phán, đề cao nguyên tắc độc lập xét xử mà các oan sai xảy ra trong quá trình xét xử bị hạn chế đến mức cao nhất. Thực tế ở Nhật Bản cho thấy chỉ có một số án lệ về yêu cầu bồi thường Nhà nước xuất phát từ hoạt động xét xử, trong đó nguyên nhân chỉ là thẩm phán vô ý hoặc cố ý tiến hành sai thủ tục tố tụng.


Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản cũng đưa ra các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước đó là: có chứng cứ về hành vi gây thiệt hại; hành vi gây thiệt hại xảy ra khi công chức đang thi hành công vụ; hành vi của công chức là vi phạm pháp luật; công chức phải có lỗi vô ý hoặc cố ý; có thiệt hại phát sinh cho người bị hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại được xác định gồm cả trường hợp “hành động” và “không hành động”. Thực tế, ở Nhật Bản đã có một vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước liên quan đến việc “không hành động” của một công chức. Ở vụ việc này, bà mẹ đứa bé bị chết cho rằng sự “không hành động” của một cảnh sát chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.


Đối với vấn đề xác định phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường, Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản đã tránh nguy cơ cồng kềnh và thiếu phù hợp của đạo luật bằng cách dẫn chiếu sang các đạo luật có liên quan như Bộ luật dân sự và các đạo luật chuyên ngành (Điều 4, Điều 5). Việc quy định theo hướng này cũng mở ra khả năng chủ động của tòa án trong việc xác định thiệt hại, bởi lẽ ở Nhật tòa án có quyền rất lớn trong việc áp dụng và giải thích pháp luật. Các án lệ của Nhật Bản cho thấy mức bồi thường được xác định là bằng với tổng giá trị thiệt hại xảy ra.


Trách nhiệm bồi thường: Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước


Theo Luật bồi thường nhà nước Nhật Bản thì chính Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước cụ thể nào mới là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng chính là sự thừa nhận về cái gọi là “Nhà nước có thể sai” - “Vua có thể sai”. Việc thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước cũng tránh được tình trạng đùn đẩy, khó quy trách nhiệm nếu áp trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho các cơ quan nhà nước cụ thể khi việc gây thiệt hại cho dân không phải chỉ bởi một cơ quan nhà nước mà là nhiều cơ quan nhà nước. Cũng theo các đạo luật có liên quan thì Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan thay mặt Nhà nước Nhật Bản để tranh tụng trong các vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước.


Cách thức xây dựng pháp luật bồi thường Nhà nước của Nhật Bản với một đạo luật bồi thường Nhà nước gọn nhẹ đặt trong chỉnh thể sự tương hỗ của Bộ luật dân sự, Luật đền bù hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật chuyên ngành quả là kinh nghiệm hay cho việc xây dựng một đạo luật được coi là “khá gai góc” như Luật bồi thường Nhà nước ở Việt Nam. Xa hơn nữa có thể nghĩ về mô hình xây dựng những đạo luật nhỏ gọn nhưng không kém hiệu lực như thế ở xứ ta - đó có thể là sự lựa chọn hiệu quả nhằm kiến tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và theo kịp những biến động ngày mỗi nhanh và đa dạng của cuộc sống thường ngày.

Saturday, November 15, 2008

Entry cho tôi...


Tự nhận nghề chính của mình là giảng dạy, lại càng thấy nhiều nghĩ suy chợt ùa về trong những ngày gần kề ngày tôn vinh nhà giáo. Định viết vài điều, rồi lại thôi. Dùng dằng mãi, đành mạn phép post một bài viết mà tác giả dường đã nói lên nhiều điều thay mình...


Phải dám so mình với thế giới bên ngoài


Từ mười năm nay tôi đón Ngày nhà giáo như đón gió đông về. Những bó hoa, những lời chúc chen giữa những thế hệ học trò nhọc nhằn mưu sinh.


Người ta trở nên nhiều lời một đôi ngày, để rồi “lối cũ ta về”, chỉ còn lại vô vàn lời chất vấn cho ngành giáo dục. Từ sách giáo khoa cho đến đồng phục đại học, sức ép cải cách sự dạy và học đã nổi đầy trên mặt báo.


Không muốn góp thêm lời phàn nàn, không mơ ước sự kỳ diệu của Gióng, bài viết dưới đây góp vài thiển nghĩ tản mạn vì những trường đại học xứng đáng cho thế hệ con cháu chúng ta...


Yếu vì chưa bao giờ dám so mình


Các trường đại học nước ta yếu, yếu vì chúng ta chưa bao giờ dám so mình với thế giới bên ngoài. Không thể lọt vào danh sách 55 trường có uy tín ở Đông Nam Á, hi hữu có bài nghiên cứu đăng đàn quốc tế, hàng trăm trường đại học VN trở thành “ngoại hạng” chẳng thể so sánh với ai. Để ganh đua giành giật lấy thịnh vượng thời nay, ngoài cơ bắp, một dân tộc chỉ mạnh nếu có trí tuệ.


Nếu 180 người dân sẽ có một nhà kinh doanh, khi ấy tương lai của đất nước này tất yếu phải nhờ cậy vào sự lèo lái thông minh của giới doanh nhân, trí thức và quan chức. Đã quá muộn để so chúng ta với thế giới bên ngoài, và cũng đã quá muộn để suy nghĩ về những cái nôi dung dưỡng nên những người quản trị đó cho xã hội tương lai.


Không chỉ thiếu tiền, thiếu cả không gian sáng tạo


Chen lấn trong số phụ huynh đầy ưu tư tìm kiếm thông tin trong các triển lãm đại học Anh, Hoa Kỳ, Đức, Singapore và thậm chí triển lãm của vô số đại học từ Trung Hoa lục địa trong vài tuần qua, tôi hiểu người VN không chỉ thiếu tiền mà thiếu cả dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật để từng bước tìm cách xây dựng các đại học đẳng cấp cho tương lai.


Hàng triệu đôla Mỹ tần tảo tích góp được chuyển ra nước ngoài để mua lấy chữ nghĩa cho con cháu mai sau. Việc ấy dễ hiểu, song cũng cho thấy rõ nước ta không có một đại học có đẳng cấp không phải chỉ bởi thiếu tiền.


Một Vụ Đại học lo lắng cho các trường đến mức nghĩ thay cho họ từ chương trình khung đến định hướng giáo khoa, giáo án đã làm giảm đáng kể sự tự tin của các đại học VN. Thậm chí có quan chức đầu ngành giáo dục cẩn thận soi xét tính mới của từng luận án tiến sĩ, bất chấp kết luận của các hội đồng chấm.


“Một người ốm bắt cả làng uống thuốc”, lo sợ vài nhà giáo làm sai, người ta tìm đến sự can thiệp rộng khắp. Nhà trường, nhà giáo thiếu đi sự tự tin, thiếu sáng tạo, thiếu cạnh tranh, và thiếu cả trách nhiệm với người học.


Cũng như khoán 10 trong nông nghiệp, cần trả lại sự tự quản cho trường và tự do nghiên cứu giảng dạy cho nhà giáo cũng như hối thúc cạnh tranh giữa họ. Khi ấy trường phải chăm chút cho người học xứng đáng với đồng học phí họ đã bỏ ra. Nếu không làm như vậy thì ngân sách cho giáo dục năm nào cũng gia tăng; song những cây đu đủ đực vẫn được bón thêm phân mà chẳng thể kết trái.







Các giảng đường ở VN hao hao giống các lớp học phổ thông với bục giảng dành cho thầy cao hơn chỗ ngồi của học viên. Đại học chưa trở thành nơi tự học. Nếu vài tuần sau khi một cuốn giáo trình vừa được xuất bản ở Mỹ, người ta có thể dễ dàng mua được trong các sạp sách ở Đại học tổng hợp Thammasat của nước láng giềng Thái Lan, người học VN chưa quen với việc học toàn cầu mà chỉ chăm chú ghi chép và nhắc lại lời thầy giáo.


Hiệp hội đại học và định chuẩn


Bên cạnh gia tăng sự tự quản, việc giám sát các trường đại học nên từng bước chuyển sang cho các hiệp hội đại học và hội nghề. Ví dụ, nước Mỹ có hơn 200 trường dạy luật, song chỉ 190 trường được Hiệp hội Các trường dạy luật và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ công nhận khi đáp ứng tiêu chuẩn về: (1) chương trình giảng huấn, (2) qui trình tuyển chọn giáo viên, (3) số lượng giáo viên trên tổng số sinh viên, (4) qui trình tuyển chọn sinh viên, (5) các điều kiện về cơ sở vật chất, và đặc biệt (6) tiêu chuẩn về thư viện.


Trường sẽ không được công nhận nếu có quá 30 sinh viên trên một giáo sư (cách qui đổi như sau: cứ một phó giáo sư tính tương đương với 0,7 giáo sư, trợ giảng 0,5 và nhân viên hành chính 0,2). Tuy so sánh là khập khiễng, song đối chiếu với thực tế đào tạo luật ở VN mới thấy các trường ở ta “ngoại hạng” đến mức nào.


Một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp năm 2005 cho thấy trung bình một thầy cô phải giảng huấn 101 sinh viên, cá biệt có nơi đào tạo 4.000 sinh viên luật mà không hề có một giáo viên chuyên trách (tạp chí Khoa Học Pháp Lý, 5-2005, tr. 55).


Thế mới biết bắt cả làng uống thuốc chưa thể mang lại hiệu quả bằng sự tẩy chay của hiệp hội và người đi học; cạnh tranh mới là kỷ luật khắc nghiệt nhất buộc các trường phải phục vụ người học.


Tư duy tự học


Nếu vị trí trang trọng nhất của Đại học Harvard, MIT là các thư viện, của Stanford là một nhà thờ cổ kính, bạn sẽ thường thấy đằng sau cổng trường đại học ở VN sừng sững các khu hiệu bộ và nhà điều hành. Sách vở nghèo nàn, ghế gỗ cứng và chật hẹp, thời gian mở cửa chẳng khác giờ hành chính làm cho thư viện ở nước ta chẳng khác công sở là bao.


Người ta bảo trí thức nghĩa là người hiểu biết và dùng trí hiểu biết của mình thức tỉnh xã hội. Ngơ ngác trước thời thế mới, không hiếm khi người ta đóng cửa trong những quán tính cũ mà làm cho nền đại học VN ngày càng dị biệt với bên ngoài. Biết ơn lắm những bó hoa dành cho nhà giáo và ước ao những người mong chờ cải cách không còn cảm thấy cô đơn trong cái chớm lạnh mùa đông./.


Tuesday, November 4, 2008

Bình dị,... Hãy bắt đầu từ thế và mãi mãi là thế!



Bình dị,... Hãy bắt đầu từ thế và mãi mãi là thế!


Tôi gặp anh, một trong những luật sư hàng đầu Việt Nam cả về tâm và tài trong chuyến ra Bắc thăm quê. Một bữa sáng đơn giản, một ly cà phê đen Hà Nội và thế là đầy rẫy những câu chuyện về đời, về nghề trôi trôi bằng giọng điệu mộc mạc, chân thành.


Tôi gặp ông, một giáo sư luật nổi tiếng nước ngoài. Bận chiếc áo sơ mi thả lỏng, một chiếc bút và cuốn sổ nhỏ luôn sẵn sàng đưa ra để nhờ tôi ghi hộ tên của một vài người bạn Việt Nam mà ông muốn phát âm thật chuẩn khi gặp họ. Nghiêm túc trong bộ complê khi làm việc, nhưng phong thái thì luôn cởi mở để giải đáp đến tận cùng những vấn đề đặt ra.


Tôi gặp một nhà tình báo lâu năm, tuy lớn tuổi nhưng đang theo học lớp luật do tôi đảm trách, người từng làm phiên dịch tiếng Cămpuchia cho những đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm nước bạn. Thuộc hàng cha chú, đi nhiều, hiểu nhiểu nhưng sẵn sàng lang thang cùng tôi đội mưa, đội nắng vào tận những ngôi chùa cổ của xứ sở Khơme để giới thiệu về mảnh đất quê mình.


Tôi gặp Thầy, người khá nổi danh trong giới học thuật không chỉ vì từng có thời gian nghiên cứu ở Havard, khả năng sử dụng tiếng Anh hay chức danh hiện tại. Sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng làm việc chỉ qua email và điện thoại mà không cần bất kỳ lời rào đón "formal" nào.


Tôi gặp... họ. Những người dường như đã đặt cho mình những dấu chấm phá chủ đạo trong bức tranh nghề nghiệp và bức tranh cuộc đời mỗi con người. Nhưng ẩn sau đó, sự "bình dị" hẳn là vẻ đẹp tuyệt vời hơn cả, giúp họ có được nhiều niềm tôn kính từ bạn bè, từ đồng nghiệp và cả những người mới gặp. Bình dị, vẻ đẹp mà dường ai ai cũng biết, nhưng sao ít quá giữa những người thời nay!