Friday, October 9, 2009

Tiến sĩ, giáo sư?!!!

Đã từng dự định nhiều lần sẽ viết 1 bài về "tiến sĩ", "giáo sư" trong bối cảnh VN, xuất phát từ những "vui", "buồn" xung quanh chuyện này. "Vui" cho cái nghiệp, đam mê của mình được lắm người mong muốn. "Buồn" vì nhiều khi lại nghe "bằng thật, chất lượng dởm"...

Có lẽ câu chuyện "vui, buồn" về tiến sĩ, giáo sư sẽ dần đi đến hồi kết khi cả quan chức lẫn dân chúng dần đánh giá các "tiến sĩ, giáo sư" không phải chỉ qua danh hiệu bề ngoài mà là thực chất đóng góp của họ. Thực chất là gì? Nôm na thì đó là những đóng góp trong nghiên cứu khoa học, trong giảng dạy! Chúng được thể hiện rõ nét thông qua các báo cáo, công trình khoa học được công bố, các buổi giảng dạy, thuyết trình hội thảo!

Xác định được điều đó, chúng ta sẽ không rơi vào trạng thái cực đoan: Nghĩa là, không đề cao tuyệt đối và ngược lại không hạ thấp học vị tiến sĩ hay học hàm giáo sư. Được đánh giá đúng đóng góp có lẽ là mong ước của không chỉ một mà tất cả những người làm khoa học!

Có lần đi giảng ở 1 tỉnh đồng bằng sông cửu long, 1 học viên khá lớn tuổi bảo tôi rằng: có lẽ chỉ những người làm khoa học tạo ra giống lúa mới, giống ngô mới thì mới xứng đáng là tiến sĩ! Quả thực có những lĩnh vực nghiên cứu (đặc biệt là khoa học kỹ thuật), cái "mới" thấy thật rõ - đó là ngô,là lúa, là khoai mới. Nhưng có những lĩnh vực cái mới ở đây là tri thức mới - ví dụ 1 cách giải toán mới, 1 phát hiện mới về phong cách văn chương... Chính ở những lĩnh vực này, "mới" hay "không" sẽ dễ bị lầm lẫn, đồng nghĩa với "tiến sĩ thật hay giả" thật khó phát hiện!

Làm sao để biết "mới" hay "không"? Ông cha ta có câu: "uống nước nhớ nguồn" - vốn được coi như một nét văn hóa truyền thống đáng tự hào của người Việt! Quả thực, chỉ khi việc tôn trọng, tuân thủ 1 cách nghiêm túc việc trích dẫn, ghi nhận giá trị của những người nghiên cứu trước thì "những mới, cũ trong sáng tạo" mới có thể xác định được. Với những người làm khoa học thực thụ, họ sẽ thấy rõ điểm lợi của sự tuân thủ này: bởi vì chỉ khi ghi nhận giá trị đi trước, thì những phát kiến của họ cũng sẽ được thế hệ sau ghi nhận - nghĩa là, viên gạch tri thức của ai sẽ thuộc về đúng người đó!

Định vị đúng thế nào là giá trị của "tiến sĩ", "giáo sư" để ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của những người làm khoa học và qua đó chắc hẳn những ai không thực sự mong muốn dấn thân vào lĩnh vực khoa học cũng sẽ "ngại ngùng" kể cả được "ban tặng" bằng tiến sĩ, phong cho giáo sư. Bởi lẽ, 1 tiến sĩ, giáo sư mà không có công trình, bài thuyết giảng nào được sinh viên, đồng nghiệp ghi nhận thì chẳng khác nào một kẻ tự xưng nhạc sĩ nổi tiếng mà chẳng có nổi 1 bản nhạc nên hồn!!!

Trong mong mỏi khôn nguôi là làm sao để thấy rõ hơn giá trị của cái gọi là "Tiến sĩ, Giáo sư", thiết nghĩ bài viết được post sau đây thực đáng để tham khảo - xem bài về hệ thống bằng cấp ở Úc, Mỹ (xin phép GS. Nguyễn Văn Tuấn được đăng tải bài viết tại Blog này)!