Friday, December 26, 2008

Thức trong mơ, đêm mùa đông, Hà Nội ơi...


Đành mượn lời 1 bài hát thật hay để mở đầu cho 1 entry...


Hà Nội ơi, đêm mùa đông... dân luật học mà mê văn chương, thơ phú hình như là điều lạ thường. Dẫu sao, được là một trong những người lạ thường giữa cuộc đời với nhiều điều bình thường cũng là một hạnh phúc! Khô khan, chính xác với luật học và lãng du cùng đời thường có lẽ sẽ mang lại nhiều cảm xúc hơn thì phải!


Ơi, đêm mùa đông, Hà Nội thức trong mơ... lại thức để nghĩ suy miên man. Con người hạnh phúc hơn vạn vật ở chỗ biết nghĩ suy. Vậy hẳn rằng nghĩ suy cũng là niềm hạnh phúc!


30 tuổi, cái tuổi các cụ bảo là "tam thập nhi lập" - vẫn tự cho mình là người luôn biết đam mê, đam mê cả những thứ tưởng như không phù hợp thời thế, bỗng một ngày cuối năm nghĩ chuyện về quê... Về để tìm thêm những nhiệt huyết mới!


11 năm ở Hà Nội, lại thêm một đêm mùa đông tìm cái thú thức cùng Hà Nội. Lại nghe "Đêm mùa đông Hà Nội". Cảm giác vẫn như năm nào, cái lạnh vẫn như từ những năm cũ... Tuổi tác dĩ nhiên ngày một nhiều thêm, cuộc sống thì bận hơn, nhưng tâm hồn dường như vẫn thế!


Ơi, đêm mùa đông, Hà Nội buông hơi thở... nhớ lũ bạn thời thơ ấu chân đất, áo phong phanh trên cánh đồng chiều, thả diều, đốt rơm. Lại nhớ bạn bè thời sinh viên, những nem cuốn nướng Hàng Bông, càphê Hàng Hành, lang thang đêm mùa đông khắp 36 phố phường có lẽ sẽ theo ta suốt cả cuộc đời...


Ơi, đêm mùa đông, Hà Nội thức trong mơ... mùa đông ơi, Hà Nội ơi, dường như ta cũng "đang thức trong mơ"! Quê nhà, bạn bè ơi... sao gần mà xa quá. Ước mơ gần và cũng thật xa!

Saturday, December 20, 2008

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui...




"Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui..."


"Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời...".


Trong những ngày loay hoay với những suy nghĩ, rồi dự định, sáng cuối tuần ngồi một mình uống trà và nhìn ra mặt hồ phủ đầy sương mù, chợt nghĩ tới những lời thơ thật hay của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.


Đơn giản quá! Triết lý nhiều khi thật giản đơn! Chỉ vậy thôi, giữa những nỗi buồn, những lo toan, mỗi ngày hãy tự chọn cho mình một "niềm vui".


Có vẻ như càng ngày người ta mải đi tìm kiếm sự "phức tạp", quên mất hạnh phúc nhiều khi thật giản đơn! Lại nhớ chuyện ngày xưa... có những bài toán trầy trật với những phương sách phức tạp lại được giải theo một cách thật giản đơn...


Thì cũng thế, với tình yêu, đôi khi ngàn lời phức tạp không bằng một lời tỏ tình ngây ngô! Hạnh phúc cũng thế thôi! Vậy sao ngay cả vào những lúc không lối ra không tự chọn cho mình một niềm vui?!! Dù chỉ 1 niềm vui có được từ hồi tưởng hay từ cả mộng mơ - "tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy. để mắt em cười tựa lá bay..."!


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
Đường đến anh em đường đến bạn bè
Tôi đợi em về bàn chân quen quá
Thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
Để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim!

Sunday, December 14, 2008

Bản quyền truyền hình Miss World 2008... nghe và tự hỏi?!

Mấy ngày qua nghe dân tình đồn đại vụ VTV "nhỡ" phát sóng chung kết "Miss World", đang ăn cơm cũng nghe VTV phát thông báo lý do nhỡ, rồi sau đó là 1 loạt báo chí đưa tin. Càng đọc, càng nghe lại càng thấy khó tin vào điều mình nghe, mình đọc. Đành mò lên Website chính thức của Đài truyền hình ngó cho chính xác. Và dưới đấy là toàn bộ vụ việc "theo như VTV":

VTV mất bản quyền chung kết Miss World 2008 dù không làm sai cam kết

Cập nhật: Layout.datetime.display('2008-12-13 13:32:16', '%date %H:%I'); 13/12/2008 13:32
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 diễn ra vào 22h00 ngày 13/12/2008 theo dự kiến sẽ được Đài THVN tường thuật trực tiếp trên kênh VTV3. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể có cơ hội thực hiện khi RAAS – đơn vị cung cấp bản quyền cho VTV từ tổ chức Miss World đã chính thức thông báo: RAAS sẽ không tiếp tục cung cấp bản quyền đêm chung kết Miss World cho Đài Truyền hình Việt Nam, sau khi đã cung cấp bản quyền của phần thi áo tắm và thời trang. Vì sao vậy? Sự cố đáng tiếc trên đến từ những nguyên nhân khách quan ngoài tầm kiểm soát của VTV.
Hình ảnh mà RASS chụp từ Website Vietnamitv.com
Đài Truyền hình Việt Nam không vi phạm bản quyền

Tổ chức Miss World trước đó đã cung cấp bản quyền chương trình này miễn phí cho Công ty RAAS, thông qua RAAS để phát sóng miễn phí trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam. Toàn bộ lợi nhuận từ việc khai thác quảng cáo của sự kiện này sẽ được RAAS góp vào quỹ “Nối vòng tay lớn” và công bố tổng số tiền thu được trong chương trình “Nối vòng tay lớn” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài THVN tổ chức vào ngày 31/12/2008.

Có được bản quyền độc quyền phát sóng phần thi thời trang, áo tắm và đêm chung kết của cuộc thi Hoa hậu thế giới, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết: chỉ phát sóng phần thi thời trang trên kênh VTV3 vào khung giờ 22h00 - 23h30 ngày 10/12/2008 (ngay sau bộ phim Cô gái xấu xí) và phần thi áo tắm được phát sóng vào khung giờ 22h00 - 23h30 ngày 12/12/2008 (ngay sau bộ phim Những người độc thân vui vẻ).

Do RAAS chỉ cung cấp bản quyền cuộc thi trên sóng truyền hình nên trên Trang thông tin chính thức của Đài Truyền hình Việt Nam VTV.vn, Đài Truyền hình Việt Nam cũng không cho phát trực tuyến các chương trình về cuộc thi này. Mặc dù nhận được nhiều yêu cầu của khán giả đề nghị thu lại các phần thi của cuộc thi Hoa hậu thế giới từ VTV3 để phát lại trên Website VTV.vn nhưng tôn trọng bản cam kết với RAAS, VTV cũng đã không tiến hành thu lại các chương trình này để phát lại trên Website.

Như vậy, có thể thấy được Đài Truyền hình Việt Nam đã tuân thủ tối đa các yêu cầu của nhà cung cấp bản quyền cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008. Vậy tại sao, dù đã tuân thủ đúng bản cam kết, VTV vẫn không thể có được bản quyền của đêm chung kết Miss World?

Hành vi sai trái của một số Website đã phá hỏng tất cả…

Theo lá thư của ông Hoàng Kiều, chủ tịch – giám đốc điều hành công ty RAAS gửi đại diện Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam TVAD vào sáng nay, ngày 13/12/2008, sự việc đã phần nào được làm rõ.

Theo giám sát của RAAS, một số các Website tại Việt Nam đã tự ý thu lại tín hiệu các phần thi của cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 từ VTV3 để phát trực tuyến trên Wesite của mình. Có trang Web, thậm chí còn thu lại chương trình để lưu trữ trên Web và tiến hành phát lại. Với việc các phần thi của cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 bị đưa lên mạng, tất cả mọi nơi trên thế giới dù kể cả không có được bản quyền cuộc thi này cũng vẫn có thể xem được chương trình. Bất kể vì mục đích nào, việc làm trên có thể nói đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền truyền hình cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008. RAAS đã phản ứng khá gay gắt trước hiện tượng này và kết cục là đi tới quyết định ngừng cung cấp bản quyền phát sóng đêm chung kết Miss World 2008 cho VTV. Như vậy, VTV đã bị thiệt, khán giả Việt Nam đã bị thiệt bởi một nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của VTV.

Trong lá thư gửi đại diện tvAD, đại diện công ty RAAS viết: “RAAS và tổ chức Hoa hậu thế giới cũng rất thiện chí và ưu ái Việt Nam khi để chương trình diễn ra vào 17h tại Nam Phi, tức khoảng 22h tại Việt Nam - thời gian mà phần lớn người dân sinh sống tại Việt Nam có thể thưởng thức chương trình. Tuy nhiên, mọi thiện chí và mong muốn của chúng tôi đã hai lần bị website VIETNAMITV làm hỏng với việc cho phát trực tiếp tín hiệu từ VTV3 trên website của mình. Mặc cho RAAS và VTV3 đã gửi đề nghị không được tiếp tục thu tín hiệu VTV3 và phát lại trên Internet hay bất kì hình thức nào nhưng VIETNAM ITV phớt lờ lời cảnh báo của chúng tôi và tiếp tục cho phát trên Internet”.

Trên thực tế, trong chương trình phát sóng phần thi áo tắm cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 vào 22h15 12/12/2008, Đài THVN đã cho chạy dòng chữ (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) với nội dung: Bản quyền chương trình này thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam. Mọi hình thức thu phát lại chương trình này trên sóng và trên Internet đều vi phạm bản quyền. Đơn vị cung cấp bản quyền đã có phản ứng trước những vi phạm bản quyền.

Website http://www.vietnamitv.com đã cho phát trực tuyến trái phép chương trình này lần đầu tiên vào ngày 10/12/2008. Mặc dù RAAS và cả Đài Truyền hình Việt Nam đã có cảnh báo đối với đại diện của trang Web nhưng đến ngày 12/12/2008, sự việc vi phạm lại một lần nữa được tái diễn.

Trong bức email gửi Vietnam ITV của ông Hoàng Kiều, ông Kiều đã viết: “Bạn đang vi phạm nghiêm trọng của bản quyền phát sóng cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào ngày 10/12/2008 được phát trên kênh VTV3. Chúng tôi đã có email yêu cầu VTV3 thông báo cho VIETNAM ITV ngưng việc này nhưng, tới chương trình Cuộc thi Hoa hậu Biển phát 22h15 12/12/2008, VIETNAM ITV tiếp tục vi phạm. Do vi phạm của VIETNAM ITV, tổ chức Hoa hậu Thế giới đã không cho phép VTV3 phát trực tiếp cuộc thi vào 22h 13/12/2008 tại Việt Nam. Bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với hành động này, trước Tổ chức Hoa hậu Thế giới, trước người dân và chính phủ Việt Nam.”

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VTV.vn, không chỉ có Vietnamitv.com vi phạm bản quyền truyền hình cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 bằng việc làm trên. Tại Việt Nam, không ít các trang Web khác cũng đã cho phát trực tuyến các phần thi của Miss World 2008 thu trái phép từ sóng VTV3. Có thể kể đến các Website VTC.com.vn, PDA.vn, Clip.vn (tại trang Web Clip.vn, tại thời điểm chúng tôi viết bài viết này, vẫn đang còn các video về cuộc thi này tại đị chỉ http://clip.vn/watch/Hoa-hau-Mexico-dang-quang-Hoa-hau-ao-tam-tai-Miss-World-2008/WdT6,vn?fm=1(cập nhật: Hiện nay, các clip về cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008 đã được Clip.vn gỡ bỏ - PV).

Đây là lần thứ hai Đài Truyền hình Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng bản quyền truyền hình cuộc thi Hoa hậu thế giới. Còn nhớ năm 2006, Đài Truyền hình Kĩ thuật số VTC tự ý thu sóng từ kênh Star World và phát sóng chương trình trên kênh VTC1 trong khi VTV mới là đơn vị có được bản quyền độc quyền phát sóng Miss World 2006 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thiệt đủ đường

Việc RAAS ngừng cung cấp bản quyền truyền hình đêm chung kết Miss World 2008 cho VTV là một sự cố đáng tiếc. Sự cố ấy đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình tại Việt Nam.

Không được tường thuật trực tiếp đêm chung kết Miss World 2008, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị đầu tiên bị thiệt hại về uy tín (dù cho đó là xuất phát từ nguyên nhân khách quan). Sau VTV, các khán giả xem truyền hình tại Việt Nam là người chịu thiệt khi không thể trực tiếp chứng kiến đêm chung kết Miss World 2008 – một sự kiện văn hóa lớn được chờ đợi từ rất lâu.

Số tiền quảng cáo mà VTV dự kiến thu được từ chương trình TTTT đêm chung kết để chuyển đến quỹ “Nối vòng tay lớn” giúp đỡ người nghèo, do dự cố trên cũng đã “tiêu tan”. Và cho đến lúc này, những người nghèo tại Việt Nam là đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng từ sự cố. Thiện ý của tổ chức Hoa hậu thế giới Miss World, của RAAS, của VTV đối với những người nghèo, cuối cùng lại bị hành động vi phạm bản quyền của một số Wesite phá hỏng.

Cuối cùng, từ sự cố trên, hình ảnh của Việt Nam trong vấn đề bản quyền lại một lần nữa bị làm tổn hại. Câu hỏi được đặt ra đến bao giờ tại Việt Nam, những sự việc vi phạm đáng tiếc như trên mới ngừng xảy ra?

Q.Thắng - M.Châm
Đôi dòng tự hỏi:
Theo như nội dung bài viết trên và tất cả thông tin tới nay thì về mặt luật học có thể tóm gọn thế này:
1, Bản quyền phát sóng Miss World thuộc về RAAS và RAAS đã tặng lại cho VTV;
2, Lý do RAAS và Tổ chức Miss World (???, chắc là chỉ còn RAAS vì theo như thông tin thì bản quyền phát sóng đã được Miss World tặng cho RAAS) đưa ra để không cho VTV phát sóng đêm chung kết là vì website "VIETNAMITV" thu và phát trái phép chương trình này.
Với cách giải thích như vậy khiến người ta thấy vô cùng khó hiểu: Vì sao VIETNAMITV vi phạm mà lại tước quyền phát sóng của VTV???
Điều này nghe chừng quá đỗi vô lý xét về góc độ pháp lý, trừ phi trong hợp đồng mà Miss World tặng cho RAAS hoặc/và RAAS tặng cho VTV bản quyền phát sóng có điều khoản đòi hỏi bên phát sóng phải có trách nhiệm "bảo vệ" sóng - không cho các cá nhân, tổ chức khác được thu phát lại bất hợp pháp, nếu không "bảo vệ" được thì sẽ bị đình chỉ hợp đồng.
Theo như giải thích của VTV thì không thấy có nói tới chuyện này. Mà nếu có chuyện này thì quả là một điều khỏan kỳ lạ và "quá sức" với VTV trong bối cảnh vi phạm bản quyền phổ biến như ở VN!!! Trong trường hợp có điều khỏan vậy thì trách nhiệm khi đánh giá điều khỏan hợp đồng dù là hợp đồng "tặng cho" của VTV cũng cần phải được tính đến nếu không sự "bị động" như vừa rồi là chuyện tất yếu xảy ra và như thế VTV có thể coi là "không có lỗi" hay không?!.
Trong trường hợp không có điều khoản trên (mà có lẽ là không có, vì nếu có thì trong lời giải thích của VTV đã nhắc tới việc này!) thì cách giải thích như VTV sẽ có thể được "nôm na hóa" theo một mô hình đơn giản hơn và khá "nực cười" như sau:
Nhạc sỹ A cho ca sỹ B hát độc quyền bài hát của mình sáng tác. Vì ca sỹ C tự ý hát bài hát này cho dù ca sỹ B không đồng ý mà nhạc sỹ A không cho phép ca sỹ B hát bài đó của mình nữa???
Lời giải thích của VTV nghe chừng hơi khó hiểu - ít nhất là với giới luật học?!!

Wednesday, December 3, 2008

Đôi lời cho Quảng Nam...

(viết tặng những đàn bò... trong thành phố!)


Lại về xứ Quảng sau 4 năm... thời gian đủ dài để người ta có thể quên nhiều điều. Nhưng với mình xứ Quảng vẫn gần gũi lắm. Tam Kỳ nay đã đc gọi là Thành phố, nhưng có lẽ nó vẫn chỉ là tấm áo mới cho 1 "thân hình" cũ --- quán cafe có vẻ nhiều hơn, còn đời sống dân cư nói chung vẫn thế!


Ngày đầu tiên... được ăn mì gà xứ Quảng. Một món ăn được coi là đặc sản ở đây. Thịt gà quê xé nhỏ, "mì" ở đây chính là bánh cuốn (ở Nghệ an dân quê tôi gọi là bánh mướt) xắn nhỏ như sợi phở ngoài Bắc, hạt lạc rang giòn, bánh đa nướng và rất nhiều rau tươi (tôi khoái nhất món này, đặc biệt trong bối cảnh HN khan hiếm rau sau Lũ. Smile!). Không hiểu vì đói hay vì ngon mà cắm cúi làm 1 mạch cũng hết 1 bát to và thậm chí quên mất "nói chuyện" với đ/c lái xe! (trời đánh tránh bữa ăn, chắc đ/c ấy sẽ thông cảm!).


Ngày thứ hai... mấy anh em kéo nhau ra khỏi trung tâm Thành phố 10km để ăn... "thịt rắn" và uống "rượu rắn"! Nghe bảo món này bổ âm chứ không bổ dương - vậy thì thích hợp rồi! smile, đang xa nhà mà! 8 anh em làm 2 con rắn khoảng 1,5kg. Tiết mục đầu tiên đc đưa lên bàn là 2 "quả tim rắn" còn đang "nhảy nhót" cùng với mấy chai rượu tiết. Tôi là khách nên được các vị đi cùng mời thưởng thức món "tim rắn". Nhìn 2 quả tim nghĩ ngay mấy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, đành thôi, không dám "thử"!!!


Ngày thứ ba... đi ăn Thịt dê nấu kiểu Quảng Nam. Anh em đúng là tâm lý thật (smile)! Mình sắp về HN mới mang đi đãi món "bổ dương"! Thịt dê ở đây được chế biến không giống như ở miền Bắc. Món đầu tiên là thịt luộc cuốn gỏi. Món thứ hai là gan, cật luộc. Món thứ ba là thịt om chảo. Món thứ tư là súp dê. Định ăn thêm món nữa thì no quá, smile!


Sau mấy ngày chỉ ăn với uống và làm việc, chiều cuối cùng ở Quảng Nam dành thời gian cho "văn hóa tinh thần" - đi Biển Tam Thanh - chỉ cách 9km từ trung tâm Thành phố. Xuống Biển vào mùa đông nên thực ra chỉ còn là ngắm "Biển" chứ người thì gần như không thấy. Chỉ có 1 đôi tình nhân trẻ và vài đứa bé đi nhặt ốc. Nhưng thế là đủ rồi, mình đi xem Biển mà! Sóng khá to và nước Biển khá sạch, bãi biển dài và còn tương đối hoang sơ với vài ba lều chõng kinh doanh đìu hiu bên bãi biển. Đó có lẽ cũng là ấn tượng thú vị cho 1 vị khách lạ như tôi!


Đêm chia tay Quảng Nam, cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh những cánh đồng, những lều bạt và những đàn bò đi lại trong Thành phố! Chợt thở dài! Sẽ có người lại tới, lại ăn Mì Quảng, lại uống rượu rắn, lại nếm thịt dê... những món ăn ngon nên giữ lại, còn cuộc sống và thành thị liệu có cần sự đi lên?!!!

Tuesday, November 18, 2008

Tản mạn chuyện bồi thường Nhà nước...

Luật bồi thường nhà nước

- nước Nhật có thể là một tấm gương?

Thạc sỹ luật học Nguyễn Bá Bình

- Cố vấn pháp lý của Hãng luật WINLAW

(Bài viết cho Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp, số chủ nhật 23/11/2008)



Từ “Vua không bao giờ sai” đến “bồi thường nhà nước”


“Vua không bao giờ sai” đã là quan điểm đưa tới kết cục bồi thường nhà nước chưa bao giờ được đặt ra ở bất kỳ quốc gia nào cho tới trước thế kỷ 20. Tuy thế, chỉ với hơn 100 năm ra đời thì đã ngày càng có nhiều quốc gia thừa nhận vấn đề này trong pháp luật. Cùng với Luật bồi thường nhà nước ở Đức năm 1909, ở Mỹ năm 1946, ở Anh năm 1947 thì Nhật Bản được xem như một trong những quốc gia trên thế giới sớm có đạo luật về vấn đề này - Luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 1947. Dự thảo Luật về bồi thường nhà nước của Việt Nam cũng đã được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp lần này và có thể sẽ được thông qua trong năm tới. Làm luật thời nào cũng thế, cần có tinh thần tiếp thu tinh hoa pháp lý của nhân loại, đặc biệt là pháp luật những nước có nhiều sự tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nếu thế, thử xem Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản có gì hay?


Luật “nhỏ” nhưng phạm vi điều chỉnh không nhỏ


Một điều không khỏi ngạc nhiên đối với người xứ ta - nơi mà một đạo luật thường được cấu trúc khá đồ sộ với nhiều Chương mục, điều khoản là Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản lại chỉ vỏn vẹn với 6 điều luật (Điều 1: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do thực hiện công quyền; Điều 2: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do sai phạm trong xây dựng và quản lý công trình công cộng; Điều 3: trách nhiệm cá nhân trong hai trường hợp nói tại Điều 1 và Điều 2; Điều 4: vấn đề áp dụng đồng thời Bộ luật dân sự để giải quyết bồi thường nhà nước; Điều 5: vấn đề áp dụng các đạo luật có liên quan đến bồi thường nhà nước; và Điều 6: vấn đề bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài). Tuy thế, đạo luật này vẫn vận hành tốt với sự hỗ trợ của các học thuyết pháp lý, các văn bản pháp luật khác cũng như án lệ liên quan đến vấn đề yêu cầu bồi thường nhà nước.


Cho dù không quy định cụ thể các lĩnh vực mà Nhà nước phải bồi thường, nhưng qua việc diễn giải Điều 1 và Điều 2, ý kiến của các chuyên gia pháp lý Nhật Bản cũng như thực tiễn thi hành Luật bồi thường nhà nước đều thể hiện rằng bồi thường Nhà nước có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào: từ lập pháp, hành pháp cho tới tư pháp. Dù không loại trừ áp dụng nhưng cho tới nay số vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước đối với lĩnh vực lập pháp và tư pháp ở Nhật Bản là không nhiều.


Đối với lập pháp, với sự hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, hiệu quả của các nghị sỹ dẫn tới các sai sót trong các đạo luật được ban hành gần như ít khi xảy ra. Mới chỉ có một án lệ liên quan tới việc Nghị viện Nhật Bản không ban hành một đạo luật để giải quyết một nạn dịch ở nước này. Trong vụ việc đó, những người bị thiệt hại đã yêu cầu Nhà nước bồi thường và họ đã thắng kiện.


Về tư pháp, thông qua hai cấp xét xử nhằm dùm tòa án cấp trên có cơ hội sửa chữa sai sót của tòa án cấp dưới, đồng thời bằng việc nâng cao điều kiện làm việc của thẩm phán, đề cao nguyên tắc độc lập xét xử mà các oan sai xảy ra trong quá trình xét xử bị hạn chế đến mức cao nhất. Thực tế ở Nhật Bản cho thấy chỉ có một số án lệ về yêu cầu bồi thường Nhà nước xuất phát từ hoạt động xét xử, trong đó nguyên nhân chỉ là thẩm phán vô ý hoặc cố ý tiến hành sai thủ tục tố tụng.


Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản cũng đưa ra các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước đó là: có chứng cứ về hành vi gây thiệt hại; hành vi gây thiệt hại xảy ra khi công chức đang thi hành công vụ; hành vi của công chức là vi phạm pháp luật; công chức phải có lỗi vô ý hoặc cố ý; có thiệt hại phát sinh cho người bị hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại được xác định gồm cả trường hợp “hành động” và “không hành động”. Thực tế, ở Nhật Bản đã có một vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước liên quan đến việc “không hành động” của một công chức. Ở vụ việc này, bà mẹ đứa bé bị chết cho rằng sự “không hành động” của một cảnh sát chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.


Đối với vấn đề xác định phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường, Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản đã tránh nguy cơ cồng kềnh và thiếu phù hợp của đạo luật bằng cách dẫn chiếu sang các đạo luật có liên quan như Bộ luật dân sự và các đạo luật chuyên ngành (Điều 4, Điều 5). Việc quy định theo hướng này cũng mở ra khả năng chủ động của tòa án trong việc xác định thiệt hại, bởi lẽ ở Nhật tòa án có quyền rất lớn trong việc áp dụng và giải thích pháp luật. Các án lệ của Nhật Bản cho thấy mức bồi thường được xác định là bằng với tổng giá trị thiệt hại xảy ra.


Trách nhiệm bồi thường: Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước


Theo Luật bồi thường nhà nước Nhật Bản thì chính Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước cụ thể nào mới là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng chính là sự thừa nhận về cái gọi là “Nhà nước có thể sai” - “Vua có thể sai”. Việc thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước cũng tránh được tình trạng đùn đẩy, khó quy trách nhiệm nếu áp trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho các cơ quan nhà nước cụ thể khi việc gây thiệt hại cho dân không phải chỉ bởi một cơ quan nhà nước mà là nhiều cơ quan nhà nước. Cũng theo các đạo luật có liên quan thì Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan thay mặt Nhà nước Nhật Bản để tranh tụng trong các vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước.


Cách thức xây dựng pháp luật bồi thường Nhà nước của Nhật Bản với một đạo luật bồi thường Nhà nước gọn nhẹ đặt trong chỉnh thể sự tương hỗ của Bộ luật dân sự, Luật đền bù hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật chuyên ngành quả là kinh nghiệm hay cho việc xây dựng một đạo luật được coi là “khá gai góc” như Luật bồi thường Nhà nước ở Việt Nam. Xa hơn nữa có thể nghĩ về mô hình xây dựng những đạo luật nhỏ gọn nhưng không kém hiệu lực như thế ở xứ ta - đó có thể là sự lựa chọn hiệu quả nhằm kiến tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và theo kịp những biến động ngày mỗi nhanh và đa dạng của cuộc sống thường ngày.

Saturday, November 15, 2008

Entry cho tôi...


Tự nhận nghề chính của mình là giảng dạy, lại càng thấy nhiều nghĩ suy chợt ùa về trong những ngày gần kề ngày tôn vinh nhà giáo. Định viết vài điều, rồi lại thôi. Dùng dằng mãi, đành mạn phép post một bài viết mà tác giả dường đã nói lên nhiều điều thay mình...


Phải dám so mình với thế giới bên ngoài


Từ mười năm nay tôi đón Ngày nhà giáo như đón gió đông về. Những bó hoa, những lời chúc chen giữa những thế hệ học trò nhọc nhằn mưu sinh.


Người ta trở nên nhiều lời một đôi ngày, để rồi “lối cũ ta về”, chỉ còn lại vô vàn lời chất vấn cho ngành giáo dục. Từ sách giáo khoa cho đến đồng phục đại học, sức ép cải cách sự dạy và học đã nổi đầy trên mặt báo.


Không muốn góp thêm lời phàn nàn, không mơ ước sự kỳ diệu của Gióng, bài viết dưới đây góp vài thiển nghĩ tản mạn vì những trường đại học xứng đáng cho thế hệ con cháu chúng ta...


Yếu vì chưa bao giờ dám so mình


Các trường đại học nước ta yếu, yếu vì chúng ta chưa bao giờ dám so mình với thế giới bên ngoài. Không thể lọt vào danh sách 55 trường có uy tín ở Đông Nam Á, hi hữu có bài nghiên cứu đăng đàn quốc tế, hàng trăm trường đại học VN trở thành “ngoại hạng” chẳng thể so sánh với ai. Để ganh đua giành giật lấy thịnh vượng thời nay, ngoài cơ bắp, một dân tộc chỉ mạnh nếu có trí tuệ.


Nếu 180 người dân sẽ có một nhà kinh doanh, khi ấy tương lai của đất nước này tất yếu phải nhờ cậy vào sự lèo lái thông minh của giới doanh nhân, trí thức và quan chức. Đã quá muộn để so chúng ta với thế giới bên ngoài, và cũng đã quá muộn để suy nghĩ về những cái nôi dung dưỡng nên những người quản trị đó cho xã hội tương lai.


Không chỉ thiếu tiền, thiếu cả không gian sáng tạo


Chen lấn trong số phụ huynh đầy ưu tư tìm kiếm thông tin trong các triển lãm đại học Anh, Hoa Kỳ, Đức, Singapore và thậm chí triển lãm của vô số đại học từ Trung Hoa lục địa trong vài tuần qua, tôi hiểu người VN không chỉ thiếu tiền mà thiếu cả dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật để từng bước tìm cách xây dựng các đại học đẳng cấp cho tương lai.


Hàng triệu đôla Mỹ tần tảo tích góp được chuyển ra nước ngoài để mua lấy chữ nghĩa cho con cháu mai sau. Việc ấy dễ hiểu, song cũng cho thấy rõ nước ta không có một đại học có đẳng cấp không phải chỉ bởi thiếu tiền.


Một Vụ Đại học lo lắng cho các trường đến mức nghĩ thay cho họ từ chương trình khung đến định hướng giáo khoa, giáo án đã làm giảm đáng kể sự tự tin của các đại học VN. Thậm chí có quan chức đầu ngành giáo dục cẩn thận soi xét tính mới của từng luận án tiến sĩ, bất chấp kết luận của các hội đồng chấm.


“Một người ốm bắt cả làng uống thuốc”, lo sợ vài nhà giáo làm sai, người ta tìm đến sự can thiệp rộng khắp. Nhà trường, nhà giáo thiếu đi sự tự tin, thiếu sáng tạo, thiếu cạnh tranh, và thiếu cả trách nhiệm với người học.


Cũng như khoán 10 trong nông nghiệp, cần trả lại sự tự quản cho trường và tự do nghiên cứu giảng dạy cho nhà giáo cũng như hối thúc cạnh tranh giữa họ. Khi ấy trường phải chăm chút cho người học xứng đáng với đồng học phí họ đã bỏ ra. Nếu không làm như vậy thì ngân sách cho giáo dục năm nào cũng gia tăng; song những cây đu đủ đực vẫn được bón thêm phân mà chẳng thể kết trái.







Các giảng đường ở VN hao hao giống các lớp học phổ thông với bục giảng dành cho thầy cao hơn chỗ ngồi của học viên. Đại học chưa trở thành nơi tự học. Nếu vài tuần sau khi một cuốn giáo trình vừa được xuất bản ở Mỹ, người ta có thể dễ dàng mua được trong các sạp sách ở Đại học tổng hợp Thammasat của nước láng giềng Thái Lan, người học VN chưa quen với việc học toàn cầu mà chỉ chăm chú ghi chép và nhắc lại lời thầy giáo.


Hiệp hội đại học và định chuẩn


Bên cạnh gia tăng sự tự quản, việc giám sát các trường đại học nên từng bước chuyển sang cho các hiệp hội đại học và hội nghề. Ví dụ, nước Mỹ có hơn 200 trường dạy luật, song chỉ 190 trường được Hiệp hội Các trường dạy luật và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ công nhận khi đáp ứng tiêu chuẩn về: (1) chương trình giảng huấn, (2) qui trình tuyển chọn giáo viên, (3) số lượng giáo viên trên tổng số sinh viên, (4) qui trình tuyển chọn sinh viên, (5) các điều kiện về cơ sở vật chất, và đặc biệt (6) tiêu chuẩn về thư viện.


Trường sẽ không được công nhận nếu có quá 30 sinh viên trên một giáo sư (cách qui đổi như sau: cứ một phó giáo sư tính tương đương với 0,7 giáo sư, trợ giảng 0,5 và nhân viên hành chính 0,2). Tuy so sánh là khập khiễng, song đối chiếu với thực tế đào tạo luật ở VN mới thấy các trường ở ta “ngoại hạng” đến mức nào.


Một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp năm 2005 cho thấy trung bình một thầy cô phải giảng huấn 101 sinh viên, cá biệt có nơi đào tạo 4.000 sinh viên luật mà không hề có một giáo viên chuyên trách (tạp chí Khoa Học Pháp Lý, 5-2005, tr. 55).


Thế mới biết bắt cả làng uống thuốc chưa thể mang lại hiệu quả bằng sự tẩy chay của hiệp hội và người đi học; cạnh tranh mới là kỷ luật khắc nghiệt nhất buộc các trường phải phục vụ người học.


Tư duy tự học


Nếu vị trí trang trọng nhất của Đại học Harvard, MIT là các thư viện, của Stanford là một nhà thờ cổ kính, bạn sẽ thường thấy đằng sau cổng trường đại học ở VN sừng sững các khu hiệu bộ và nhà điều hành. Sách vở nghèo nàn, ghế gỗ cứng và chật hẹp, thời gian mở cửa chẳng khác giờ hành chính làm cho thư viện ở nước ta chẳng khác công sở là bao.


Người ta bảo trí thức nghĩa là người hiểu biết và dùng trí hiểu biết của mình thức tỉnh xã hội. Ngơ ngác trước thời thế mới, không hiếm khi người ta đóng cửa trong những quán tính cũ mà làm cho nền đại học VN ngày càng dị biệt với bên ngoài. Biết ơn lắm những bó hoa dành cho nhà giáo và ước ao những người mong chờ cải cách không còn cảm thấy cô đơn trong cái chớm lạnh mùa đông./.


Tuesday, November 4, 2008

Bình dị,... Hãy bắt đầu từ thế và mãi mãi là thế!



Bình dị,... Hãy bắt đầu từ thế và mãi mãi là thế!


Tôi gặp anh, một trong những luật sư hàng đầu Việt Nam cả về tâm và tài trong chuyến ra Bắc thăm quê. Một bữa sáng đơn giản, một ly cà phê đen Hà Nội và thế là đầy rẫy những câu chuyện về đời, về nghề trôi trôi bằng giọng điệu mộc mạc, chân thành.


Tôi gặp ông, một giáo sư luật nổi tiếng nước ngoài. Bận chiếc áo sơ mi thả lỏng, một chiếc bút và cuốn sổ nhỏ luôn sẵn sàng đưa ra để nhờ tôi ghi hộ tên của một vài người bạn Việt Nam mà ông muốn phát âm thật chuẩn khi gặp họ. Nghiêm túc trong bộ complê khi làm việc, nhưng phong thái thì luôn cởi mở để giải đáp đến tận cùng những vấn đề đặt ra.


Tôi gặp một nhà tình báo lâu năm, tuy lớn tuổi nhưng đang theo học lớp luật do tôi đảm trách, người từng làm phiên dịch tiếng Cămpuchia cho những đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm nước bạn. Thuộc hàng cha chú, đi nhiều, hiểu nhiểu nhưng sẵn sàng lang thang cùng tôi đội mưa, đội nắng vào tận những ngôi chùa cổ của xứ sở Khơme để giới thiệu về mảnh đất quê mình.


Tôi gặp Thầy, người khá nổi danh trong giới học thuật không chỉ vì từng có thời gian nghiên cứu ở Havard, khả năng sử dụng tiếng Anh hay chức danh hiện tại. Sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng làm việc chỉ qua email và điện thoại mà không cần bất kỳ lời rào đón "formal" nào.


Tôi gặp... họ. Những người dường như đã đặt cho mình những dấu chấm phá chủ đạo trong bức tranh nghề nghiệp và bức tranh cuộc đời mỗi con người. Nhưng ẩn sau đó, sự "bình dị" hẳn là vẻ đẹp tuyệt vời hơn cả, giúp họ có được nhiều niềm tôn kính từ bạn bè, từ đồng nghiệp và cả những người mới gặp. Bình dị, vẻ đẹp mà dường ai ai cũng biết, nhưng sao ít quá giữa những người thời nay!


Thursday, October 30, 2008

Viết tặng những nỗi buồn...

Tặng em - những nỗi buồn của tôi!

Nghe như vô lý khi viết tặng những nỗi buồn! Nhưng đôi khi lại thấy vui vui khi tự nghĩ nỗi buồn như một người tình tuyệt vời nhất của mỗi chúng ta. Thực sự đi cùng ta đến chân trời góc bể, tới đầu bạc răng long mà nào cần chi một lời thề thốt. Vậy thì sao ko dành đôi lời để tặng em - những nỗi buồn của tôi!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Cuộc đời tôi, như vô vạn cuộc đời có thể tự ví như một phép cộng của niềm vui, sự vô cảm và những nỗi buồn. Tôi là người lạc quan, thường tự bông đùa "đời mình" để biến cả những nỗi buồn thành niềm vui - có lẽ những lúc thế tôi đã vô tình làm tổn thương "những nỗi buồn"! Đôi khi nghĩ lại, tôi bỗng buồn để... bù đắp em - những nỗi buồn của tôi!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Tôi tự ví mình như một kẻ lang thang trong cuộc đời... Lang thang để tìm niềm vui và nhiều khi tôi đi tìm em - những nỗi buồn! Dầu tôi biết, người đời dẫu gặp em nhiều hơn niềm vui nhưng họ thường dằn vặt và hắt hủi em. Tôi mong mình đc khác họ - tôi đi tìm em, để hiểu hơn về những nỗi buồn và lại quý thêm những niềm vui!


Tặng em - những nỗi buồn của tôi! Tôi gặp em sau những nụ cười, gặp em sau những cuộc vui, gặp em sau cả những vinh quang... Tôi tặng em gì đây, ngòai những lời sáo rỗng, có lẽ... tôi đã tặng gần như cả đời mình cho em! Vì niềm vui,... có mấy đâu!


Wednesday, October 22, 2008

Lang thang...



Lại một chuyến đi... Lần nào cũng thế, khi bế tắc trong những dự định, mình lại tìm giải pháp bằng những chuyến đi.


8h sáng lò mò lên sân bay, sau hơn 2h ngồi trên quả Boeing 321 mình có mặt ở xứ nóng Sài gòn và lại tiếp tục 4h trên con xe khá mới Altis thẳng tiến Trà Vinh. Hơn 1 năm trở lại xứ này, vẫn có những nét thân quen, nhưng không thiếu những điều mới lạ...


Ngồi nhìn bạt ngàn cây cối và sông nước cứ lùi lại dần phía sau, lại thấy những hăm hở tuổi trẻ tràn về. Có lẽ mình không nhầm khi chọn lựa chuyến "nam tiến" này. Con người và miền quê xứ này cho mình nhiều cảm giác rất thú vị. Mình cần thế, một chuyến "đi chơi" thật hữu ích cho những kẻ thích phiêu du...


Ngày đầu tiên ở vùng đất Khơ me, nơi những cô gái có vẻ đẹp như thánh thần. Mình nhớ, trở về sau lần đầu tới nơi này, mình đã làm khối anh em thấy tò mò và "ganh tị" khi nói rằng: mình đã gặp một cô gái có vẻ đẹp như đức mẹ Maria! Khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, đủ để khiến bao kẻ bỗng dưng trở thành nhà thơ...


Ôi..., chỉ còn biết mượn lời thơ của một thi sĩ nổi tiếng...!



KÝ ỨC MẮT ĐEN





Đen và long lanh hai hạt nhãn Hưng Yên


ngỡ than đá Quảng Ninh cũng không đen và long lanh đến thế


đen và long lanh đã hớp hồn anh


18 ngàn năm


18 vạn năm


anh không nhớ rõ.




Đập vỡ thuỷ tinh cũng chẳng còn rượu nữa


đập vỡ tượng người có gặp trái tim yêu?


anh đập vỡ anh và anh nhìn thấy


đen và long lanh xa lắc bỗng hiện về...




Không phải đen của đêm tối châu Phi man man cuồng dại


không phải đen của hố thẳm chiến tranh thủ đoạn điên rồ


không phải đen của mực Tàu tài hoa thư pháp


không phải đen của dòng sông con đường phát sáng cơn mơ...




Đen và long lanh hiền dịu dại khờ


đen lúng liếng dân ca đen ngân nga lễ hội


hoá đá anh mắt em 18 tuổi


18 ngàn năm hay 18 vạn năm?




Ông Già Thời Gian ngỡ như chẳng già hơn


bạc trắng nụ cười tìm anh hỏi nhỏ:


- đen và long lanh thuở xa ấy đâu rồi?



- Đen và long lanh vẫn lẽo đẽo bên trời


dẫu anh nằm dưới cỏ


khi mùa xuân xao xuyến còn tươi!...

Monday, October 20, 2008

Ngày không em...

Nhân ngày 20/10 - một ngày đặc biệt cho những người con gái, người mẹ, người chị xứ mình. Xin được mượn lời thơ của một thi sĩ cùng quê để gửi tặng 1 nửa của đất nước - như một lời tôn vinh và để thấy giá trị hơn những ngày "có em"!

NGÀY KHÔNG EM

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...




Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc




Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...




Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...




Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt




Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng




Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Friday, October 17, 2008

Bầu cử tổng thống Mỹ...

Bầu cử tổng thống Mỹ - gian nan và vinh quang![1]


Đến hẹn lại lên, cứ bốn năm một lần không chỉ người Mỹ mà cả thế giới lại tốn chẳng biết bao nhiêu giấy bút và thời gian dõi theo cuộc bầu cử tổng thống của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này. Năm nay cũng vậy, dẫu cho khủng hoảng tài chính đang là chủ đề nóng cho toàn thế giới nhưng nó cũng không làm nguội đi bao nhiêu cuộc chiến đang vào hồi kết giữa hai ứng viên tổng thống John Mc Cain và Barack Obama. Trước khi đón chờ một vị tân tổng thống mới của nước Mỹ, thử nhìn lại đôi nét chủ đạo của cả một chặng đường bầu cử chông gai.


Để trở thành ứng viên tổng thống


Theo quy định của Hiến pháp Mỹ (nêu rõ tại điều I và II), một người muốn ứng cử vào ngôi vị tổng thống thì phải thỏa mãn 3 điều kiện cơ bản: công dân Mỹ, ít nhất 35 tuổi, cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm. Thêm vào đó, với Điều sửa đổi, bổ sung thứ 22 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1951, tổng thống Mỹ không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Vì lẽ đó, đương kim tổng thống George W. Bush không thể tiếp tục ra tranh cử cho nhiệm kỳ sắp tới.


Chỉ định ứng cử viên tổng thống


Hiến pháp Mỹ không có quy định nào đề cập về các nguyên tắc chỉ định ứng viên tổng thống của các đảng phái chính trị. Đơn giản vì vào giai đoạn soạn thảo cũng như phê chuẩn Hiến pháp (cuối những năm 1700) thì chưa có bất kỳ đảng phái nào và những người sáng lập nền cộng hòa ở Mỹ cũng không quan tâm đến việc quy định thủ tục đối với các đảng phái chính trị.


Tới đầu năm 1796, các nghị sĩ Mỹ thuộc các đảng phái nhất định đã tiến hành nhóm họp không chính thức để đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống của đảng mình. Hệ thống bầu chọn ứng viên kiểu này còn được gọi là cuộc họp kín của nhà Vua đã kéo dài trong suốt 30 năm trước khi bị phá vỡ vào năm 1824 bởi việc phi tập trung hóa quyền lực chính trị sau khi nước Mỹ mở rộng về phía Tây. Sự lựa chọn tiếp theo và hiện đang được vận hành để lựa chọn ứng viên tổng thống chính là đại hội toàn quốc của các đảng. Sự kiện đánh dấu cho lựa chọn kiểu này bắt đầu vào năm 1831 khi Đảng Anti-Mason, một đảng nhỏ ở Mỹ đã tổ chức họp tại một quán rượu ở thành phố Baltimore thuộc Bang Maryland để chọn ra ứng viên tổng thống. Chỉ một năm sau đó, Đảng dân chủ cũng họp tại quán rượu này để lựa chọn ứng viên của mình. Dần dần việc họp - đại hội toàn quốc của các đảng để chỉ định ứng viên tổng thống đã trở nên quen thuộc cho từng kỳ bầu cử.


Đại hội toàn quốc của các đảng


Trong suốt hai thế kỷ XIX, XX, các đại hội chỉ định ứng viên tổng thống thường bị chi phối bởi lãnh đạo của đảng tại các Bang. Họ dùng ảnh hưởng của mình để chọn đại biểu đi dự đại hội của Bang và chắc chắn rằng những đại biểu này sẽ bỏ phiếu theo như mình dự kiến tại đại hội đảng toàn quốc. Do gặp phải sự phản đối từ công chúng, yêu cầu về cải cách quy trình lựa chọn này đã được đặt ra theo hướng cử tri được bầu đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc. Các cuộc bầu cử sơ bộ (của Đảng) đã ra đời để thực hiện sứ mệnh đó. Cho dù khởi nguồn từ năm 1916 và bị thui chột trong một thời gian ngắn từ sau thế chiến thứ nhất, nhưng với tiến trình gia tăng dân chủ từ sau thế chiến thứ hai việc bầu cử sơ bộ lại tiếp tục được hồi sinh và tiếp tục cho tới ngày nay. Hiện hầu hết các Bang ở Mỹ đều tiến hành bầu cử sơ bộ để lựa chọn đại biểu tham gia đại hội đảng toàn quốc. Tùy thuộc pháp luật của mỗi Bang mà cử tri có thể bỏ phiếu bầu ứng viên tổng thống của đảng và bỏ phiếu bầu vào một danh sách các đại biểu cam kết, hoặc cũng có thể gián tiếp bỏ phiếu cho một ứng viên trong một cuộc họp kín bằng việc bầu chọn đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc và những đại biểu này có sự cam kết ủng hộ ứng cử viên nhất định nào đó. Khác với việc bầu cử sơ bộ đơn thuần, theo quy trình họp kín, những cử tri sống tại một khu vực địa lý nhỏ (khu vực bầu cử địa phương - xã, phường) sẽ họp để bỏ phiếu bầu các đại biểu - những người đã có cam kết về việc sẽ ủng hộ ứng viên tổng thống cụ thể. Sau đó, các đại biểu được chọn sẽ đại diện cho các khu vực của mình để dự đại hội của Hạt để tiếp tục chọn ra các đại biểu tham gia đại hội đề cử của Quận và của Bang. Những đại biểu dự các đại hội cuối cùng này sẽ bầu các đại biểu đại diện cho Bang tại đại hội đảng toàn quốc. Cho dù quy trình này có thể kéo dài khá lâu - trong vài tháng, nhưng thực tế cho thấy các ứng viên được ưa thích thường được quyết định ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.


Cũng như những cuộc bầu cử trước đó, năm nay việc bầu cử sơ bộ hay tiến hành họp kín ở các Bang để lựa chọn các đại biểu đi dự đại hội toàn quốc của từng đảng phái đã diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6. Đại hội toàn quốc của hai đảng dân chủ và bảo thủ cũng đã được tổ chức để chọn ra ứng viên tổng thống của họ. Dù gọi là đại hội, nhưng thực ra nó chỉ là hoạt động mang tính hình thức, bởi lẽ từ những năm 70 đến nay, trước khi diễn ra đại hội của các đảng phái chính trị thì dân chúng đã biết chắc ai sẽ là ứng cử viên tổng thống. Mc Cain và Obama cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, các đại hội ngày nay chỉ như một buổi ra mắt chính thức ứng viên tổng thống của đảng, bí mật được tiết lộ có chăng chỉ là gương mặt của ứng viên phó tổng thống. Tuy thế, với sự quan tâm đặc biệt của công chúng tới sự kiện này, Đại hội đảng chính là một dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh của ứng viên tổng thống.


Tổng tuyển cử...


Người Mỹ không bỏ phiếu bầu trực tiếp tổng thống mà bỏ phiếu trong phạm vi từng Bang để bầu lên một nhóm đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống cụ thể. Số đại cử tri tương ứng với số thành viên Quốc hội của Bang đó, tức là bằng số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của Bang. Để dành được chức tổng thống thì ứng cử viên phải có được ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri của 50 Bang (bao gồm cả 3 phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington thuộc Quận Columbia - dù đây không phải là một Bang và cũng không có đại diện có quyền bỏ phiếu nào tại Quốc hội).


Vào ngày tổng tuyển cử, tại mỗi Bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẳn cho vị trí đại cử tri tổng thống mà đại diện cho nhiều ứng viên tổng thống khác nhau. Tuy nhiên, lá phiếu Bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống. Đa số Bang sử dụng lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (ví dụ Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa) thì được coi là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri tổng thống thuộc đảng đó. Tại những Bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của Bang đó (theo hình thức đa số hay tuyệt đối). Riêng tại Maine và Nebraska thì hai đại cử tri được bầu lên thông qua bầu phiếu phổ thông trên toàn bang, những đại cử tri còn lại được bầu thông qua bầu phiếu phổ thông tại mỗi khu vực bầu cử quốc hội của các bang đó (mỗi khu vực sẽ chọn ra một đại cử tri).


Sau 41 ngày kể từ ngày tổng tuyển cử, các đại cử tri tổng thống của mỗi Bang (và Quận Columbia) họp lại để thực hiện việc bỏ phiếu đại cử tri. Hầu hết các đại cử tri tổng thống đều sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trường hợp đại cử tri thuộc Đảng lại bầu cho ứng viên thuộc Đảng khác - họ được gọi là "đại cử tri không trung thành".


Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ tiến hành nhóm họp cả Hạ viện và Nghị viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng cử viên nhận được 270 hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống sẽ trở thành tổng thống đắc cử. Hiến pháp Mỹ cũng quy định rằng, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ phải quyết định. Theo đó, tất cả các hạ nghị sĩ của mỗi Bang sẽ phải bỏ phiếu với tư cách một đơn vị. Mỗi Bang và Quận Columbia được phân bổ một lá phiếu duy nhất.


Như vậy, phiếu bầu phổ thông của các cử tri không có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn tổng thống mà ứng viên đắc cử sẽ phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri có được ở từng Bang. Thực tế đã có 17 cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ người thắng cử không phải là người giành được đa số phiếu phổ thông. Nhân vật đầu tiên là John Quincy Adams vào năm 1824 và gần nhất chính là đương kim tổng thống George W. Bush trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000.


Đôi dòng đọng lại...


Theo một quy trình bầu cử rất đặc biệt ở một xứ sở đặc biệt, người Mỹ chọn cho mình ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử chính thức trên toàn quốc. Năm nay cũng vậy, chỉ còn vài tuần nữa, dù đã trải qua hai vòng tranh luận trực tiếp về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội giữa Mc Cain và Obama, dường như dự đoán về nhân vật quyền lực số 1 của nước Mỹ nhiệm kỳ tới vẫn còn quá nhiều ẩn số. Chờ đợi kết quả kiểm phiếu của từng Bang trong sự hồi hộp của quá trình gom phiếu đại cử tri chính là những khoảnh khắc thú vị cho không chỉ hai ứng cử viên mà của cả triệu triệu người trên hành tinh này trong những ngày sắp tới. Chiến thắng trong cuộc lựa chọn ứng viên của Đảng đã là vinh quang, nhưng chưa đủ, cần thêm một chiến thắng nữa tại trận tuyến đại cử tri. Tổng thống Mỹ - nhân vật quyền lực nhất của cường quốc số 1 thế giới dường như là phần thưởng xứng đáng để vinh danh người đã vượt qua cả một chặng đường bầu cử gian nan!









[1] ThS luật học Nguyễn Bá Bình, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

Wednesday, October 1, 2008

Thủ tục xuất nhập khẩu...


Cẩm nang pháp luật của doanh nghiệp

- Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu

Tác giả : Ths Nguyễn Bá Bình, TS. Nguyễn Hồng Bắc

Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU

Khi kinh tế ngày càng phát triển thì sự giao thương kinh tế cũng diễn ra càng sâu, rộng. Các doanh nghiệp được tự chủ hơn trong việc tìm hướng đi thích hợp cho mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây là một trong những quyền năng được doanh nghiệp hết sức quan tâm trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.


Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp, những thông tin hữu ích về thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn sách “Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu”.


Đây là cuốn sách hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các thủ tục xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.



BỐ CỤC


Phần I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN
VÀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

I. Khái niệm về thủ tục hải quan và chế độ kiểm tra, giám sát hải quan


II. Khai hải quan và chế độ đăng ký khai hải quan


III. Xuất trình đối tượng kiểm tra hải quan và chế độ kiểm tra đối chiếu hải quan


IV. Nộp - thu thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật


V. Thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải


VI. Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu


VII. Nguyên tắc, địa điểm tiến hành thủ tục hải quan


VIII. Quá trình phát triển của pháp luật quy định về thủ tục hải quan


Phần II

THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH
XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Mục I

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa

xuất khẩu, nhập khẩu thương mại

I. Khái quát chung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


II. Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


III. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại


IV. Vấn đề quản lý rủi ro trong quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại


V. Thủ tục hải quan đối với một số loại hàng hóa xuất, nhập khẩu thương mại


Mục II

Thủ tục hải quan Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác

I. Hàng hoá xuất, nhập khẩu tại chỗ


II. Hàng hoá bán tại cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế


III. Hàng hoá xuất, nhập khẩu theo đường bưu chính


Mục III

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
không nhằm
mục đích thương mại

I. Khái quát chung về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại


II. Thủ tục hải quan đối với một số loại hàng hóa phi mậu dịch


Mục IV

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển cảng,
chuyển cửa khẩu, quá cảnh

I. Hàng hóa xuất, nhập khẩu chuyển cảng


II. Hàng hoá xuất, nhập khẩu chuyển cửa khẩu


III. Hàng hoá quá cảnh


Mục V

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế

I. Hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển


II. Hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do, khu phi thuế quan (gọi tắt là khu thương mại tự do)


III. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan


IV. Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho bảo thuế


Phần III

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI
XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH VÀ QUÁ CẢNH

I. Khái quát chung về phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh


II. Thủ tục hải quan đối với các loại phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh


Phần IV

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ
XUẤT, NHẬP KHẨU TRONG CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ HẢI QUAN MÀ VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN

I. Xu hướng phát triển của Hải quan thế giới


II. Các Điều ước quốc tế về Hải quan


1. Công ước về thành lập Hội đồng hợp tác hải quan


2. Công ước Kyoto về đơn giản hoá, hài hoà hoá thủ tục hải quan


3. Công ước HS - Hệ thống điều hoà trong mô tả và mã hoá hàng hoá


4. Hiệp định CVA - Hiệp định định giá hải quan

5. Hiệp định Hải quan ASEAN

Bảo hộ quyền tác giả...


Công ước Berne 1886 - công cụ hữu hiệu bảo hộ quyền tác giả


Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU


Quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả đã và đang thực sự là “chủ đề nóng” cho không chỉ giới luật học mà còn của các nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản… Điều này cũng thật sự dễ hiểu khi chúng ta đang sống và làm việc trong nền kinh tế tri thức - nơi mà hơn lúc nào hết giá trị của chất xám, của những tài sản vô hình được tôn vinh. Cũng cần thấy rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chỉ cần một cú “kích chuột” trong vài giây bạn đã có thể nhận hàng loạt thông tin, đọc được vô số bài viết của tác giả các nước khắp nơi trên thế giới, bạn cũng có thể dễ dàng truyền đi các tác phẩm của mình để chia sẻ với hàng trăm triệu công dân trên thế giới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về bảo hộ một cách hữu hiệu quyền tác giả không chỉ trong phạm vi của một quốc gia mà trên khắp toàn cầu là một điều tất yếu. Nghiên cứu về bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là bảo hộ quyền tác giả ở phạm vi liên quốc gia để có thể bảo hộ hợp lý quyền và lợi ích của các tác giả trong nước, tránh được các tranh chấp về quyền tác giả với các quốc gia khác và giúp các nhà xuất bản có thể ký hợp đồng và xuất bản được các tác phẩm nước ngoài một cách thuận lợi rõ ràng là những nghiên cứu vô cùng hữu ích.


Với sự kiện Việt Nam gia nhập công ước đầu tiên trên thế giới về bảo hộ quyền tác giả, Công ước Berne được đánh giá là một trong những trụ cột để bảo hộ quyền tác giả ở nước ta. Công ước Berne chính thức có hiệu lực ở Việt Nam từ hơn một năm qua, là một Công ước với nhiều nội dung vẫn đang là chủ đề tranh luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu và thực thi pháp luật. Với mục đích góp phần từng bước làm rõ các quy định của Công ước, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận, vận dụng nội dung của Công ước trong sự so sánh với pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Công ước Berne 1886 - Công cụ hữu hiệu bảo hộ quyền tác giả” của Thạc sỹ luật học Nguyễn Bá Bình, cán bộ giảng dạy tại Khoa luật quốc tế và kinh doanh quốc tế thuộc đại học Luật Hà Nội và Phạm Thanh Tùng, chuyên viên Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà xuất bản Tư pháp và các tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa nội dung cuốn sách cho lần xuất bản tiếp theo.



BỐ CỤC


Phần thứ nhất

KHÁI LƯỢC VỀ QUYỀN TÁC GIẢ

VÀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Phần thứ hai

KHÁI QUÁT VÈ SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN

CỦA CÔNG ƯỚC BERNE

Phần thứ ba

NHỮNG NỘI DUNG CẦN HIỂU RÕ

ĐỂ VẬN DỤNG TỐT CÔNG ƯỚC BERNE

Phần thứ tư

VẬN DỤNG CÔNG ƯỚC BERNE

TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP THỰC TẾ

Phụ lục 1

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật

Phụ lục 2

Những điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển

Phụ lục 3

Danh mục các quốc gia thành viên công ước Berne

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp...


Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam - pháp luật và thực tiễn


Nxb Tư pháp - Bộ Tư pháp


GIỚI THIỆU


Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, sự gia tăng, đa dạng của các loại hình sản phẩm, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, mà ngày một chú trọng hơn đến hình thức của sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm với kiểu dáng công nghiệp tối ưu, thu hút được sự quan tâm của công chúng; việc đầu tư vào nghiên cứu, triển khai áp dụng các kiểu dáng công nghiệp mới ngày một được chú trọng. Khi kiểu dáng công nghiệp là một trong những lợi thế cạnh tranh, thì đồng thời những hoạt động nhằm “cướp đoạt” thành quả của người khác sẽ xuất hiện - sử dụng kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp khác đầu tư vào sản phẩm của mình xảy ra ngày một nhiều, dưới các hình thức tinh vi. Bởi lẽ kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng mang lại “sức thu hút” của sản phẩm, tuy nhiên nó lại không phải là bí mật, rất dễ bị sao chép. Thực tế rất nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất chân chính đã bị “nhái” lại kiểu dáng công nghiệp, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp.


Để đảm bảo cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh, một sự phát triển kinh tế bền vững, yêu cầu về sự hình thành và tăng cường cơ chế bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bằng pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả kiểu dáng công nghiệp, các doanh nghiệp là chủ sở hữu hợp pháp kiểu dáng công nghiệp và đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là yêu cầu cần thiết.


Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng pháp luật về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam vẫn thực sự còn nhiều hạn chế, bất cập. Các quy định về kiểu dáng công nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong chương quy định về sở hữu trí tuệ của Bộ luật dân sự. Việc tiến hành bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trên thực tế chủ yếu chỉ dựa vào các văn bản dưới luật của Chính phủ và các bộ liên quan. Nhưng xét về hiệu lực của các văn bản này thì không cao, hơn nữa lại không có tính ổn định lớn và còn rất sơ lược. Chính vì vậy, một trong những nhu cầu cấp bách đặt ra là cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam, trong đó có chú ý tới sự tương thích với các điều ước quốc tế và thông lệ phổ biến của thế giới để tạo tiền đề thuận lợi cho công cuộc hội nhập kinh tế - quốc tế ở nước ta.


Trước đòi hỏi đó, Nhà xuất bản Tư pháp giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm “Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam - pháp luật và thực tiễn”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, đây là một cuốn sách có ý nghĩa lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện pháp luật và hoạt động thực thi bảo hộ về quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam.


Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!



BỐ CỤC


Chương I

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ KDCN VÀ BẢO HỘ KDCN


I. Khái niệm KDCN


II. Tiêu chí bảo hộ KDCN


III. Phân loại KDCN


IV. Các chức năng của KDCN


V. Mối quan hệ giữa KDCN với sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hoá và đối tượng của quyền tác giả


VI. Bảo hộ quyền sở hữu KDCN



Chương II

PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ KDCN Ở VIỆT NAM


I. Sự hình thành và phát triển của pháp luật về bảo hộ KDCN ở Việt Nam


II. Khung pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hộ KDCN


III. Các biện pháp thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở hữu KDCN



Chương III

THỰC TIỄN BÀO HỘ KDCN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VIỆC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

I. Thực tiễn bảo hộ KDCN ở Việt Nam


II. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hộ KDCN ở Việt Nam


III. Một số kiến nghị hoàn thiện việc thực thi pháp luật bảo hộ KDCN ở Việt Nam



Kết luận


Phần Phụ lục