Saturday, May 23, 2009

Học để làm gì?


Câu hỏi này không xa lạ chút nào... Chỉ có điều trả lời nó thật chẳng dễ, nó cũng giống như câu hỏi "tình yêu là gì?".

Vì là câu hỏi quen thuộc và lại khó để trả lời sao cho ai nghe cũng thấy đúng, ta đành tìm cách lãng quên. Tự dưng có lần, trên blog của anh bạn thân đang du học ở xứ hoa anh đào, anh ấy lại đi làm cái công việc là thử đưa thêm một câu trả lời cho điều này. Lại nghĩ, có khi cũng phải thử xem: học để làm gì?

Học để mưu sinh... Cái này đa số đều đồng tình, suy cho cùng, ai trong đời chẳng phải học để sống và để có cái mà sống. Lọt lòng mẹ, hẳn ai cũng phải học lật, học trườn, học bò, học chạy, rồi học ăn, học nói. Lớn lên, lại học để có cái nghề cái nghiệp. Dù đó là nghề thấp hèn hay được trọng vọng thì cũng đều phải học - dẫu ít hay nhiều. Ngay cả sinh ra đã được hưởng cả khối gia tài kếch sù và chẳng cần làm gì thì ít ra họ cũng phải học 1 thứ để sống với khối tiền đó: học cách để bảo vệ và sử dụng nó?

Học vì sự hiểu biết... Con người hơn vạn vật ở chỗ có tri thức. Vì thế, với nhiều người, để thấy mình "người hơn" thì học chính là một phương cách tốt. Biết thêm một điều gì đó dù nhỏ nhoi, với họ cảm giác như vừa bước thêm được một bước trong chuyến du hí đến thiên đường của sự hiểu biết. Vì thế, Học vì sự hiểu biết đôi khi còn được gọi theo cách hoa mỹ hơn: Học vì đam mê tri thức!

Học để được coi là kẻ sĩ... Suy cho cùng có 2 thứ trên đời này được người người tôn sùng: Sức khỏe và Sự hiểu biết (Quyền lực hay Tiền bạc thực ra cũng chỉ là những gì phái sinh từ 2 thứ này). Càng ngày, dường như cái thứ hai lại càng được coi trọng hơn. Tuy cùng mục đích là mong được coi là "kẻ sĩ", về cơ bản có thể chia làm 2 loại người chạy theo sự học kiểu này: học để thu lượm kiến thức và học để thu lượm bằng cấp!

Học cho vui... Có người coi việc học là một thú vui. Thông thường rơi vào 2 dạng người: một là có tiền, có quyền, nhưng lại không có mấy việc để làm; hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu. Điểm chung là với họ đi học là được lao động, là được thấy mình tồn tại có ích trong cuộc đời. Vì thế, họ đi học như một cuộc dạo chơi, biết được bao nhiêu thì biết chứ không phải là áp lực để kiếm miếng cơm, manh áo hay tranh đấu chức quyền. Loại học để làm gì này còn được gọi là Học vì chẳng còn việc gì để làm.

Học chẳng biết để làm gì... Trả lời kiểu này thì có thể là của những kẻ ngớ ngẩn, nhưng hoàn toàn có thể là của bậc cao nhân!. Đơn giản là để trả lời một câu hỏi khó như kiểu "học để làm gì?", cách tốt nhất là phủ nhận chính câu hỏi ấy. Ẩn chứa trong ấy chính là câu trả lời thú vị về sự học: học để có nhiều thứ - tiền bạc, sự hiểu biết, sự tôn trọng và vì cả niềm vui!

Saturday, May 16, 2009

Đã có một thời như thế...



Đã có một thời như thế...

Lúc còn sống, Ông bà thường nói với tôi về cái thời mà người chết chỉ mong có cái chiếu bọc lấy thân để trở về cùng đất, cùng cát bụi.

Bố mẹ vẫn thường kể về cái thuở mới yêu - vừa đạp xe vừa dắc bộ qua hàng trăm kilômét, qua bom rơi, mưa gió từ Nghệ An ra Hà Nội, với những cuộc đi kéo dài hàng mấy ngày chỉ để được gặp nhau đôi ba phút, nói dăm ba lời.

Những bạn bè thân vẫn thường nói về một thời nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều lần tôi tự hỏi về câu chuyện của mình, về những tâm sự với con trẻ và với cả chính mình. Có lẽ, tôi sẽ nói: Đã có một thời như thế...

*
* *

Đã có một thời như thế... Xa mà sao thật gần, vẫn về bên tôi những giấc mơ mang tên "dầu Mazút"! 12 năm bên những ngọn đèn dầu. Ngày ấy, chỉ nhà nào giàu lắm mới có đủ dầu hỏa để thắp sáng, đa phần người ta dùng dầu mazút. Dầu Mazút, một loại dầu thật khó quên - màu đỏ quạch, ánh sáng le lói, khói nhiều, khi cháy có mùi khét lẹt và thi thoảng lại phải gạt đi phần ngòi bị cháy đen, vón cục đang che dần tia sáng. Thế nên, sau mấy tiếng vật lộn bài vở với loại đèn dầu này thì kết cục mặt đứa nào cũng đen nhẽm khói, còn cơ thể thì bốc mùi "mazút". Tình hình sẽ còn bi thảm hơn vào những ngày hè oi bức, vì khi đó sự pha quyện với mồ hôi sẽ tạo ra những mùi vị thật đậm đà!

Đã có một thời như thế... Mỗi bận về quê, băng qua những triền đê, những đường làng quanh co, lại nhớ cái thuở ngày ngày đạp xe vượt cả chục cây số đến trường. Ngày ấy, lịch trình mỗi ngày là tỉnh dậy vào lúc 5h sáng - khi trời còn tranh tối tranh sáng, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng vội vàng trong tầm 10 phút rồi lên xe, đạp chừng 45 phút thì tới trường. Trưa hoặc chiều học xong lại hành trình quay ngược về nhà. Vào những ngày hè, con đường đến trường phủ đầy bụi đỏ vì thế kết thúc hành trình thường hai ống quần của lũ học trò đều nhuốm đầy màu đỏ. Gặp hôm sương giăng nhiều thì đành phó mặc cho quần sạch biến thành quần bẩn chứ không cách gì phủi đi được. Có những ngày mưa gió, gió thổi ngược như bão, ngồi lên xe cố sức đạp mà chẳng tiến được mét nào, giải pháp Việt Nam là đẩy xe xuống chân đê để vừa đi vừa tránh gió. Rồi lại có ngày sương mù dày đặc, lũ bạn bè kẻ đi trước cách người đi sau chừng 10m mà chỉ nghe tiếng nói, tiếng cười tưởng như vọng về từ bóng đêm.

Đã có một thời như thế... Thời mà lũ trẻ làng quê quan tâm đến hành trình của Trăng đến vậy. Đó là những ngày sau mùa gặt, bọn trẻ con chỉ mong đến những hôm cuối tháng âm lịch - là lúc trăng thường lên muộn. Khi ấy, cứ ăn tối, làm việc nhà như đập lúa xong, lũ con trai trong xóm lại tụ tập ra cánh đồng làng vừa gặt xong, nhờ ánh trăng để cùng quây vào nhau bên trái bóng cho tới tận nửa đêm mới trở về nhà.

Đã có một thời như thế... Thời mà người lớn thì lo lụt lội, trong khi con trẻ lại mong. Khi ấy, sau những trận lụt là vô số chim cheo bẻo, chim én ùa về làng - quả là dịp hiếm để lũ trẻ thỏa sức đam mê với việc bẫy chim bằng những que tre tẩm đầy nhựa cây. Đó cũng là khi có thể tìm những trái cây rụng hay đi bắt những tôm cá tràn bờ.

Đã có một thời như thế... thời của nhiều gian khó nhưng không hiếm niềm vui!

Friday, May 8, 2009

Khi người ta ốm...




Đôi khi cảm giác mình như cánh diều đang lên bỗng đứt dây, như quả bóng bị xì hơi, như chiếc xe đang tăng tốc chợt thủng xăm nơi sa mạc... đó thường là lúc ta nằm chèo queo ở một xó nhà mà chẳng gượng nổi để làm gì - Ốm!


Khi ốm, người ta thấy mình trở nên bất lực trước mọi tham vọng, dù đó chỉ là tham vọng rất tầm thường - ví như được uống một ly trà đá vỉa hè và ngắm dòng người, ngẫm cuộc đời!


Khi ốm, người ta thường nghĩ về sự cô đơn và thường buồn cho thân phận chính mình cũng như nhân loại. Họ nhận thấy triết lý của Phật giáo bỗng trở nên đúng hơn bao giờ hết: cuộc đời là bể khổ! Bởi suy cho cùng, cái họ còn lại sau những ngày miệt mài suy tính, bộn bề công việc chỉ là một thể xác bơ phờ.


Khi ốm, người ta thường nghĩ về "khi không ốm". Đó cũng là lẽ thường, ai chẳng thích nghĩ về thứ tốt đẹp! Trong những giấc ngủ chập chờn bởi sự chi phối của những vỉ kháng sinh, họ trở về với những bước chân con trẻ bay nhảy trên triền đê lộng gió. Sau những cơn ho sù sụ, họ nhớ da diết tiếng cười lanh lảnh năm nào dưới sân trường mùa hạ ấy.


Khi ốm, người ta thường nghĩ về giới hạn. Họ thấu hiểu cái mà nhân loại vẫn thường bảo nhau: "lực bất tòng tâm". Đó cũng là lúc họ thấy sự đúng đắn của lý thuyết "vật chất quyết định ý thức"!


Khi ốm, người ta thường nghĩ về sự nhân ái. Họ nhận ra giá trị của tình thương con người và thường quên đi những "trận chiến cuộc đời". Họ nhận ra giá trị lớn lao của sự sẻ chia - điều dường ít thấy trong những tham vọng "tư lợi" đời thường.


Khi ốm, người ta bỗng trở nên đơn giản trong kế hoạch hành động của chính mình. Họ không còn nghĩ về những điều mà cái ngày hôm qua - "ngày không ốm" thường nghĩ. Họ chỉ mơ về một điều bình dị - họ mơ được trở lại như một người bình thường!


Sau khi ốm, người ta nghĩ gì nhỉ??!