Saturday, March 6, 2010

Cho 1 thập niên đã qua (hay là cho một thế hệ đã qua!!!)



2000 - 2010... thoắt cái, 10 năm đã qua như "nửa" cái chớp mắt (nghe thiên hạ đồn nếu chớp cả 1 cái thì chắc phải tầm trăm năm!!!). Mới năm nào đó, người ta còn bàn tán xôn xao về ngày tận thế, về Y2K, về "hà nội những năm 2000 lại nghe tàu điện leng keng"! Mới năm nào đó mobile chỉ dành cho giới thượng lưu (cái điện thoại di động đơn giản hơn cả cái 600k bây giờ hồi đó kể như là cả 1 gia tài lớn), và chẳng biết ai còn nhớ đến máy nhắn tin "bíp bíp" thuở ấy! và mới năm nào đó, Internet còn xa lạ hơn cả những câu chuyện về người ngoài hành tinh. Giờ đây, kể những chuyện này, không khéo lại bị giới trẻ 8x, 9x cho là "suốt ngày nói chuyện ngày xưa" như chuyện các cụ hay kể thời chiến tranh!
31 tuổi, tuổi ko còn trẻ, nhưng hẳn chưa già... chỉ 2 cái mốc đầu cuối của 10 năm mà ngỡ như nói chuyện giữa hai thời xa lắm lắm! Ôn cố tri tân, thôi thì mọi câu chuyện nên lại hoài niệm từ những câu chuyện tình yêu - điều mà từ cổ chí kim, từ phương đông tới tây phương, chẳng kể da trắng hay da nhiều màu, từ đàn bà, đàn ông tới những "đàn không biết nên gọi là ông hay bà", từ trẻ con tới người già cả đều ít khi cho là buồn tẻ!!! Từ cái thuở yêu nhau qua những cánh thư đi về mất ngót nghét ít nhất vài ba ngày, nay, người trẻ chuyển qua email, chat, và nhanh hơn mọi thứ nhanh là mobile - nay thì mobile gần như ai cũng có - nghe đồn giới trẻ thời nay có thể không có bút (vì viết luôn bằng computer) chứ không thể thiếu mobile! Từ cái thuở yêu nhau là chờ đợi, là chỉ dám đứng xa mà nhìn, ngồi xa mà mong, nằm xa mà mơ mộng - nay cái gì dường như cũng nhanh hơn, "gần" hơn, dường như đôi khi là "gần quá"! Không biết điều gì hay hơn - chỉ biết nhiều khi người ta thích đọc truyện hơn xem phim! Từ cái thuở yêu nhau mơ ước lắm lắm để có 1 bức hình, hạnh phúc lắm mới mong có 1 bức hình chung --- giờ thì dễ lắm, đâu đâu cũng thấy "show hàng" với "tự sướng"! Ôi, cảm giác 1 xã hội no đủ tinh thần!!! hay là thái quá nhỉ??? Từ cái thuở yêu nhau là e thẹn, là ngại ngùng, là cả buổi dạo qua dạo lại nhà nàng mà không dám bấm chuông... nay, người ta chẳng ngại chuyện tỏ tình, chuyện yêu đương, mà còn không hiếm mong được show cho càng nhiều người xem càng thích - nào tự ghi clip rồi post lên mạng, nào tỏ tình ở sân trường, ở bãi bồi sông Hồng... cho tới những móc khóa lủng lẳng trên cầu Chương dương! Chẳng hiểu là tiến bộ xã hội hay như các nhà văn hóa học hay gọi là sự "tiếp biến văn hóa tây phương"???! 10 năm đã qua, nhanh như "nửa" cái chớp mắt... - vạn vật chuyển dời nhanh không tưởng tượng nổi! Chữa lại 1 chút câu của người xưa thì có thể nói là "1 ngày ở thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 ngỡ như bằng cả trăm ngày của thế kỷ trước"! Trong sự chuyển dời như lẽ tự nhiên, sự chuyển dời vì phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của nền công nghiệp, có sự chuyển dời trong ý thức hệ của con người! Chỉ 1 cái nhìn sơ sài về sự thay đổi trong yêu, trong thương của người xứ ta đủ thấy sự biến chuyển ghê gớm! Không mong giới trẻ phải giống người trước mà hẳn ai cũng mong giới trẻ hơn bậc sinh thành, hơn anh, hơn chị! Mong giới trẻ có những suy nghĩ đột phá, cách làm mới mẻ hẳn là lẽ đương nhiên! Chuyện tình yêu, rộng hơn là văn hóa ứng xử, thực khó để nói là thời nay hay hoặc dở! Chỉ trong 1 chút hoài niệm của thời đã qua, chợt nghĩ "có phải cái gì tiện, cái gì nhanh, cái gì gần, cái gì phô trương cũng hay không nhỉ?", "hội nhập, hòa nhập, tiếp biến giá trị tây phương nhưng văn hóa có cần giữ lấy "lề" không nhỉ?"!!! Thôi thì, chuyện đó cần lắm lắm những ý kiến chuyên môn, chỉ là trong cái suy nghĩ của 1 kẻ sinh ra từ đồng quê, lại 1 sáng bâng quơ nơi xứ người buông tay gõ vài dòng khi chợt nhớ những câu thơ năm nào của Nguyễn Bính: "Hôm qua em đi tỉnh về Đợi em ở mãi con đê đầu làng Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi! Nào đâu cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân? Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?" Nào đâu... chuyện của thời đã qua... chỉ mới đây thôi... 10 năm, xa hay gần???!

Saturday, January 30, 2010

Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam


Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam
(The prior disclosure under Vietnam's Law)
(Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - Văn phòng Quốc hội Việt Nam - số 2 (163) tháng 1/2010. Đăng lại tại http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/phap-luat/kinh-te-dan-su/ban-gioi-thieu-nhuong-quyen-thuong-mai-theo-quy-111inh-cua-phap-luat-viet-nam)

1. Dẫn nhập

So với các quốc gia hùng mạnh về nhượng quyền thương mại như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… thì Việt Nam chỉ đang chập chững những bước chân đầu tiên vào mảnh đất màu mỡ và đầy hứa hẹn này. Nhượng quyền thương mại bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước và phát triển khá nhanh trong khoảng 5 năm gần đây (sau khi nhượng quyền thương mại chính thức được ghi nhận trong Luật Thương mại 2005). Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 70 hệ thống nhượng quyền thương mại - với 39 nhà nhượng quyền thương mại đến từ các nước1 và nhượng quyền thương mại được giới quan sát tin là sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới. Theo dự báo của Trung tâm kinh doanh Hàn Quốc thì doanh thu từ nhượng quyền thương mại sẽ vào khoảng 36 tỷ USD vào năm 2010 nếu vẫn giữ đà tăng trưởng như năm nay. Trong khi đó, số lượng cửa hàng nhượng quyền vào năm 2010 được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 50%2.

Việt Nam hiện là một trong 33 quốc gia trên thế giới có hệ thống quy phạm pháp luật riêng biệt để điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại3. Các quy định pháp luật riêng biệt về nhượng quyền thương mại hiện hành (sau đây gọi tắt là luật riêng về nhượng quyền thương mại) được ghi nhận tại Luật Thương mại 2005 (Mục 8 Chương VI), Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35), Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) và Quyết định 106/2008/QĐ-BTC ngày 17/11/2008 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Khác với nhiều nước, Việt Nam sử dụng luật riêng về nhượng quyền thương mại không chỉ để điều chỉnh mà còn như một công cụ để khuyến khích sự phát triển của hoạt động này. Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (tên tiếng Anh thường gọi là “Prior Disclosure”) được coi là công cụ trọng yếu trong hệ quy định pháp luật Việt Nam về nhượng quyền. Đặt trong bối cảnh hứa hẹn sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực nhượng quyền, nhu cầu hoàn thiện hơn nữa pháp luật để khuyến khích và đảm bảo an toàn cho hoạt động nhượng quyền thương mại, mục tiêu của bài viết là định vị vai trò của Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, làm rõ các nội dung liên quan Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước, đồng thời gợi mở vài giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại trong hiệu chỉnh quan hệ nhượng quyền.

2. Vai trò của Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại - một cái nhìn toàn cảnh

Các khảo cứu cho thấy pháp luật điều chỉnh quan hệ nhượng quyền thương mại trên thế giới đều thông qua bốn loại công cụ: 1, Sử dụng thống đăng ký nhượng quyền thương mại; 2, Sử dụng Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại; 3, Điều chỉnh thông qua việc hướng dẫn trách nhiệm thực thi của Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền (Luật về quản lý hoạt động nhượng quyền); 4, Điều chỉnh thông qua việc đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan4.

Trên cơ sở sử dụng đơn lẻ hoặc sử dụng kết hợp các loại công cụ này, 33 quốc gia có luật riêng về nhượng quyền thương mại xây dựng luật này theo một trong chín mô hình sau đây5:

Như vậy có thể thấy, nếu tính cả Mỹ (ở cấp độ Liên bang) thì có tới 2/3 mô hình có sử dụng Luật về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại để điều chỉnh hoạt động nhượng quyền. Thực tế là 26/33 quốc gia có pháp luật nhượng quyền thương mại đều sử dụng Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại như công cụ trung tâm để điều chỉnh hoạt động này. Tầm quan trọng của Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại còn được thấy rõ khi trong nỗ lực xây dựng luật mẫu về nhượng quyền thương mại thì UNIDROIT (Viện quốc tế về thống nhất pháp luật tư của Liên hợp quốc) đã chỉ tạo ra “Luật mẫu về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại”.

Không quá khó để lý giải nguyên nhân của việc “trọng dụng” Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại hơn ba công cụ còn lại (đăng ký, điều chỉnh việc quản lý hoạt động nhượng quyền và quy định các giải pháp giải quyết tranh chấp) trong điều chỉnh nhượng quyền thương mại. Hai trở ngại lớn cho việc duy trì và phát triển quan hệ nhượng quyền thương mại là sự bất cân xứng về quyền lực và thông tin giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền, trong đó Bên nhận quyền ở phía bất lợi. Hầu hết các nhà lập pháp, lập quy và học giả trên thế giới đều tin rằng Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại chính là công cụ hữu ích giúp giải quyết sự bất cân xứng về mặt thông tin – một điều tối quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững hệ thống nhượng quyền. Giáo sư Andrew Terry (Australia) - một chuyên gia pháp lý hàng đầu trong lĩnh vực nhượng quyền - khẳng định “không nghi ngờ gì nữa, Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại chính là chìa khóa để cải cách hoạt động nhượng quyền”6. Cũng trên quan điểm đó, Ủy ban tư vấn về thực tiễn thương mại của Australia cho rằng: Luật về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại là “nền tảng cốt lõi cho hoạt động nhượng quyền và phù hợp với thực tiễn thương mại”7.

3. Về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong tương quan so sánh với pháp luật các nước

3.1. Về chủ thể có nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cho Bên nhận quyền bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho Bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Nếu quyền thương mại là quyền thương mại chung thì Bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền bằng văn bản các nội dung như: Thông tin về Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình; Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung; Cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung8.

Các nội dung bắt buộc của Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Công thương quy định và công bố (tại Phụ lục III Thông tư 09). Thêm vào đó, Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là nếu nhượng quyền từ nước ngoài vào trong nước và ngược lại thì đăng ký tại Bộ Công thương, nhượng quyền thương mại nội địa thì đăng ký với Sở Công thương.

Không chỉ là trách nhiệm của Bên nhượng quyền, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Bên nhận quyền cũng có nghĩa vụ cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền9.

Quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan tới việc nhượng quyền thương mại thuộc cả Bên nhận quyền là khá đặc biệt nếu so sánh với các nước. Hiện tại chỉ có Việt Nam và Rumany quy định về vấn đề này (Rumany yêu cầu Bên nhận quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin về vấn đề quản trị và khả năng tài chính cho Bên nhượng quyền). Trước đây Trung Quốc cũng có quy định nghĩa vụ này của Bên nhận quyền, nhưng điều này đã được bãi bỏ trong luật mới về nhượng quyền năm 2007.

3.2. Về các thông tin bắt buộc và các hậu quả pháp lý liên quan tới Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cần phải chứa đựng các vấn đề chủ yếu đó là: 1, Thông tin chung về Bên nhượng quyền; 2, Thông tin về quyền sở hữu trí tuệ; 3, Thông tin cụ thể về Bên nhượng quyền; 4, Chi phí ban đầu mà Bên nhận quyền phải trả; 5, Các nghĩa vụ tài chính khác của Bên nhận quyền; 6, Đầu tư ban đầu của Bên nhận quyền; 7, Nghĩa vụ của Bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị để phù hợp với hệ thống kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định; 8, Nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; 9, Mô tả thị trường của hàng hóa/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; 10, Hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu; 11, Thông tin về hệ thống nhượng quyền; 12, Báo cáo tài chính của Bên nhượng quyền; 13, Phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần tham gia10.

Pháp luật Việt Nam cũng định rõ các hậu quả pháp lý bất lợi mà Bên nhượng quyền phải gánh chịu liên quan đến nghĩa vụ cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại đó là: 1, Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại11; 2, Bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thông tin trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại là không trung thực12; 3, Bồi thường thiệt hại trong trường hợp có hành vi vi phạm gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan13.

3.3. So sánh các quy định về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại trong pháp luật Việt Nam với pháp luật các nước14

Về thời hạn tối thiểu phải cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cho Bên nhận quyền trước ngày ký kết hợp đồng

Về nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu bắt buộc theo mẫu
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp Bản giới thiệu
nhượng quyền thương mại sau khi đã ký kết hợp đồng

Về các thông tin cần có trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại
Các thông tin cần có trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại về cơ bản được chia làm hai loại: thông tin trong hợp đồng (được ghi nhận trong hợp đồng nhượng quyền) và thông tin ngoài hợp đồng.
Các thông tin trong hợp đồng

Các thông tin ngoài hợp đồng

4. Kết luận và vài gợi mở

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại được coi là yếu tố trung tâm trong pháp luật nhượng quyền Việt Nam. Pháp luật Việt Nam về Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại nhìn chung được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế, có sự học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia sử dụng cơ chế điều chỉnh nhượng quyền thông qua Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia và đặc biệt là tiếp thu tinh thần luật mẫu về Bản giới thiệu nhượng quyền của Unidroit. Vì thế, qua những so sánh ở trên có thể thấy về cơ bản các yếu tố liên quan cơ chế sử dụng Bản giới thiệu nhượng quyền của Việt Nam là tương thích với đa số quốc gia trên thế giới, cũng như Luật mẫu của Unidroit về Bản giới thiệu nhượng quyền.

Tuy thế, để cơ chế sử dụng Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại như một công cụ trọng tâm, hiệu quả trong điều chỉnh hoạt động thương mại này, thiết nghĩ cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa pháp luật Việt Nam. Trong đó, nên lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần có sự thống nhất quy định về nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhượng quyền thương mại theo hướng đây là nghĩa vụ bắt buộc của Bên nhượng quyền.

Theo tinh thần của Nghị định 35 và Thông tư 09 thì cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền là nghĩa vụ bắt buộc của Bên nhượng quyền, trong khi theo Điều 287 Luật Thương mại thì “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” Bên nhượng quyền có nghĩa vụ cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cho Bên nhận quyền. Nếu hiểu theo Điều 287 Luật Thương mại 2005 thì rõ ràng sẽ có thể có trường hợp Bên nhượng quyền không nhất thiết phải cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại cho Bên nhận quyền. Thiết nghĩ, với vai trò vô cùng quan trọng của Bản giới thiệu nhượng quyền thì trong tương lai cần có sự sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng quy định cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền là nghĩa vụ bắt buộc của Bên nhượng quyền trong mọi trường hợp.

Thứ hai, sự thành bại của một quan hệ nhượng quyền phụ thuộc rất lớn vào sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên và hiểu biết các đặc điểm của hệ thống nhượng quyền, do đó rất nhiều quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực này (như Mỹ, Úc, Trung Quốc) đều đặt ra yêu cầu về một Bản giới thiệu nhượng quyền thật chi tiết. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để tiếp tục đưa thêm các vấn đề cần có trong Bản giới thiệu nhượng quyền là điều hết sức cần thiết, trong đó nên quan tâm hơn nữa đến các thông tin ngoài hợp đồng (bởi lẽ các thông tin trong hợp đồng sẽ được đề cập rõ trong hợp đồng giữa hai bên).

Thứ ba, cần xem xét để nới rộng thời hạn cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại.

Thời hạn cung cấp Bản giới thiệu nhượng quyền phải là một khoảng thời gian hợp lý đủ để Bên nhận quyền nghiên cứu, hiểu thấu đáo các đặc điểm của Bên nhượng quyền và của hệ thống nhượng quyền. Với các nhà nhận quyền còn thiếu kinh nghiệm thì khoảng thời gian 15 ngày trước khi ký hợp đồng nhượng quyền sẽ khó để họ tìm hiểu rõ các vấn đề được nêu trong Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại. Một thời hạn cung cấp dài hơn ở mức 20, 30 ngày như một số nước (Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Mexico) có thể đáng được tham khảo đối với Việt Nam.

Thứ tư, Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại sẽ trở nên không có ý nghĩa hoặc thậm chí mang tính tiêu cực nếu như các thông tin được đưa ra thiếu độ tin cậy. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như hệ thống thủ tục hành chính để đảm bảo sự minh bạch hóa, thuận lợi trong tiếp cận thông tin (đặc biệt các thông tin liên quan đến tài chính) – qua đó giúp Bên nhận quyết nắm bắt được thông tin nào là trung thực - sẽ là sự hỗ trợ cần thiết cho cơ chế điều chỉnh bằng Bản giới thiệu nhượng quyền.

1Xem“Vietnam sees bustling franchise sector” (nguồn: Thông tấn xã Việt Nam, đăng tại Website: http://www.dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview_En.aspx?co_id=30113&cn_id=363537, truy cập ngày 16/11/2009).

2 Xem chú thích 1.

3 Hiện nay các quốc gia có luật riêng về nhượng quyền thương mại bao gồm: Barbados, Brazil, Canada, Mexico, USA, Venezuela, Belgium, Estonia, France, Lithuania, Italy, Spain, Sweden, Albania, Belarus, Croatia, Georgia, Moldova, Romania, Russia, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Saudi Arabia, Australia, China, Japan, Macau, South Korea, Taiwan, Vietnam, Indonesia, Malaysia.

4 Xem “Global Trends in Franchise Regulation and the Australian Experience: Lessons for New Zealand” được trình bày bởi Giáo sư Andrew Terry (ĐH New South Wales, Sydney, Australia) tại Hội nghị về cải cách pháp luật nhượng quyền thương mại tại ĐH Aucland (New Zealand) vào ngày 25/6/2009.

5 Xem chú thích 4.

6 Xem chuyên đề “Franchise Sector Regulation: The Australian Experience” của Giáo sư Andrew Terry (ĐH New South Wales) trình bày tại Hội thảo “Kinh tế học và Quản trị mạng lưới nhượng quyền thương mại”, tổ chức tại Vienna, Austria, từ ngày 26 – 28/6/2003.

7 Xem chú thích 6.

8 Xem Điều 8 Nghị định 35

9 Xem Điều 9 Nghị định 3510 Xem Phụ lục III Thông tư 09

11 Xem Điều 16 Nghị định 35 và Điều 287 Luật Thương mại 2005

12 Xem mục d khoản 1 Điều 24 Nghị định 35

13 Xem khoản 2 Điều 24 Nghị định 35

14 Việc so sánh có sự tham khảo các số liệu từ chuyên đề “Developments in Franchising in Asia” của Stephens Giles (thành viên Hãng luật Deacons) và Giáo sư Andrew Terry (ĐH New South Wales, Sydney, Australia) tại Hội nghị của Hiệp hội nhượng quyền quốc tế mang chủ đề “News from around the World” tại Los Angeles, Mỹ vào ngày 6/11/2008.


ThS Nguyễn Bá Bình, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, Nghiên cứu sinh về nhượng quyền thương mại tại ĐH New South Wales, Sydney, Australia

Sunday, December 20, 2009

Chỉ còn lại mắt người xanh như nói. Anh nhắm mắt thương về chốn ấy lủi thủi Em!


Đã lâu quen với nhịp độ nhanh của Facebook, rồi cũng có khi cần chậm lại một chút để đủ thời gian hồi tưởng và suy ngẫm. Bỗng bắt gặp một bài thơ hay của NTT, những câu thơ thật nhiều ý vị, hai câu kết để lại nhiều ám ảnh..., lại vẫn dùng 1 bài thơ thay cho nhiều lời muốn nói...


XANH

Xanh nụ hôn khẽ chạm mỉm cười xanh
Hồn xoáy lốc nồng nàn đường cong thân thể bão
Em như em mười bảy
Anh như vừa hai mươi
Lá còn xanh đêm Hoàng Việt trinh nguyên âm nhạc bỗng xanh về

Xanh trên cao bên núi xanh bên biển xanh bên em xanh bên anh xanh bên ngày xanh bên đêm xanh
Những li rượu mù lòa những va chạm tê tê đầu lưỡi
Anh úp mặt vào xanh
Em uống cạn dòng xanh
Sóng truyền cảm vỗ bờ tung gành đá

Em thì thầm điều chi anh nghe không rõ
Khởi thủy là lời
Khởi thủy chẳng là lời
Hồn vía trót đỉnh trời xác thân chìm đáy biển
Nhưng than ôi sáng ấy tiễn nhau rồi...

Anh lên con tàu xanh để lại nụ hôn trong mắt em ứa lệ
Nhìn lên xanh tạm biệt những nồng nàn
Em ngược con đường quen hoang vu màu xanh lá
Lá vẫn xanh mà mắt ướt hình anh

Chìm khuất hết núi xanh thành phố trắng
Ánh đèn khuya chết chìm đáy biển đen
Chỉ còn lại mắt người xanh như nói
Anh nhắm mắt thương về chốn ấy lủi thủi Em!...