Saturday, February 9, 2008

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt...



BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT - NGHĨ VỀ MỘT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ [1]



Hơn hai thập kỷ cho sự hình thành và phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và khoảng 7 năm cho sự bùng nổ nhu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại đất nước này (kể từ thời điểm có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ) có lẽ không phải là một khoảng thời gian ngắn. Vì lẽ đó, mục tiêu của bài viết này chính là “ngoảnh mặt lại và hướng về phía trước” để ngẫm xem bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt đang ở đâu và cần làm gì cho ngày mai.


Khái quát trong sự hồi tưởng...


Chỉ một cụm từ “sở hữu trí tuệ” hay đại loại như vậy và một cú “click” chuột ở trang tìm kiếm Google thì sẽ hiện ra trước mắt là vô số bài viết, ý kiến về sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chừng đó thôi cũng đủ để thấy rằng sở hữu trí tuệ hiện đang được không chỉ giới chuyên môn mà cả quần chúng quan tâm đến nhường nào.


Nếu như cách đây hơn 7 năm, sở hữu trí tuệ còn quá xa lạ với người dân và là thứ “xa xỉ” để nghĩ tới của hầu hết thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Việt, thì giờ đây đã là thứ mà người ta thích thú khi bàn luận, là thứ mà doanh nghiệp dù lớn hay bé đều thấy phải quan tâm cho dẫu ở những mức độ khác nhau. Nếu như cách đây 7 năm, Cục sở hữu trí tuệ vẫn chỉ là nơi khá “vắng vẻ”, ít người biết tới, với cơ sở vật chất còn tương đối nghèo nàn thì nay đã trở nên “đô hội” với nhiều đơn từ đăng ký, khiếu nại được gửi đến và được chú trọng đầu tư từ cả phía nhà nước và các dự án nước ngoài. Nhớ lại thời gian ấy, các văn phòng, công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ít được biết đến và chủ yếu sống nhờ việc thực hiện các dịch vụ cho các công ty nước ngoài; còn nay thì văn phòng, công ty luật chuyên hoặc hoạt động chuyên sâu về mảng này đang nở rộ với lượng khách hàng khá lớn.


Nhìn về khuôn khổ pháp lý, nếu như trước đây sở hữu trí tuệ chỉ được gửi gắm trong một vài Nghị định, Thông tư và một phần tương đối khiêm tốn trong Bộ luật dân sự 1995 thì nay đã có một đạo luật hoành tráng ra đời, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và cùng với đó là nhiều văn bản hướng dẫn thi hành - tạo nên một khung pháp lý cơ bản được coi là “đầy đủ” theo chuẩn mực của WTO. Cũng thời gian ấy, các tranh chấp, vi phạm về sở hữu trí tuệ hầu như ít được biết tới bởi bản thân các chủ thể bị vi phạm cũng không thèm “đếm xỉa” đến việc bảo vệ, thì nay, đây đó ta có thể nghe và biết tới hàng loạt vụ việc phát sinh trong lĩnh vực này, trong đó đã có khá nhiều vụ việc được giải quyết ở cấp độ khác nhau thông qua các biện pháp như hành chính, dân sự hay hình sự.


Chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt thời nay...


7 năm bùng nổ nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ như một cú hích đủ mạnh để thay đổi tư duy về giá trị của tài sản vô hình của doanh nghiệp. Chỉ một số doanh nghiệp manh nha ý tưởng về cái gọi là chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó cũng đã phần nào triển khai trên thực tế. Cũng như các cuộc cách mạng trong lịch sử, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt thời gian qua hầu như đang dừng ở mức độ “tự phát”, thiếu một tư duy xuyên suốt và mang tầm chiến lược. Cái có thể nhìn thấy hiện nay chỉ là việc doanh nghiệp “đổ xô” đi đăng ký nhãn hiệu và thế là yên tâm rằng mình đã thực hiện xong phần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Đó không chỉ là hiện trạng của doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn khá phổ biến đối với những doanh nghiệp lớn, thậm chí là tập đoàn ở Việt Nam. Người ta quên mất rằng, việc đăng ký bảo hộ chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền sở hữu trí tuệ về mặt pháp lý. Với một tư duy đồng nhất bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã làm cho chiến lược bảo hộ sở hữu trí tuệ trở nên giản đơn và ít tốn kém đối với doanh nghiệp. Xét về khía cạnh tổ chức, chỉ một số ít doanh nghiệp có được một phòng về thương hiệu hay đại loại như vậy hoặc một vài nhân viên pháp chế phụ trách luôn cả những vấn đề về sở hữu trí tuệ. Tuy thế, thiếu một hướng đi bài bản thì phòng ốc hay nhân viên chuyên trách cũng phỏng có ích gì?


Vài nghĩ suy về một chiến lược bảo hộ tối ưu...


Nếu cái đích mà chiến lược phát triển thương hiệu hướng đến là làm cho thương hiệu của doanh nghiệp mình ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tới và tin yêu, thì mục tiêu của chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là bảo vệ những tài sản vô hình thuộc về doanh nghiệp - đấy là các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế... Với một cách nhận định nôm na như vậy, cho thấy rằng chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp phải được thực hiện một cách song hành, đan xen với chiến lược phát triển thương hiệu và thậm chí nhiều khi chúng dường như trùng lắp vào nhau.


Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vào thời điểm thích hợp chính là bước đi đầu tiên của công cuộc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Xác định được thời điểm này có thể được coi như doanh nghiệp đã “đóng rào” đúng lúc. Thông thường một nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... nên được nộp đơn đăng ký trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.


Sau khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật ghi nhận. Tuy vậy, đó mới chỉ là sự ghi nhận trên giấy tờ, để gửi được thông điệp về quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ tới những người tiêu dùng và thậm chí là các đối thủ cạnh tranh thì đòi hỏi phải có những bước đi cần thiết tiếp theo - đấy chính là các bước đi để quảng bá về các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Giai đoạn này thường được nhắc đến nhiều hơn với tư cách là một phần của chiến lược phát triển thương hiệu. Doanh nghiệp thường tiến hành dưới các hình thức như quảng cáo hoặc tổ chức các hội nghị, hội thảo để giới thiệu các sản phẩm mới của mình, trong đó có lồng ghép vấn đề giới thiệu quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu tạo nên thương hiệu mạnh, được mọi người biết tới và tin yêu không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi, thu được nhiều lợi nhuận mà còn như một giá đỡ vững chắc cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều đơn giản nhất có thể nhận ra chính là khi thương hiệu có được chỗ đứng trên thương trường cũng đồng nghĩa với việc tránh được khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách “vô tình” của những chủ thể khác.


Dẫu vậy, một thương hiệu mạnh giống như một cô gái xinh đẹp, thật khó để bảo vệ! Nguy cơ thương hiệu bị xâm phạm sẽ ngày càng trở nên cao hơn khi mà nhiều người muốn lợi dụng, chiếm đoạt các tài sản mang tính chất vô hình của doanh nghiệp - là những thứ tài sản khó lòng kiểm soát được bởi chủ sở hữu do đặc trưng của chúng. Nếu như đăng ký và quảng bá quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được coi như cái “khiên” để đề phòng, thì cũng cần phải có những “ngọn giáo” đủ sắc để chống lại những sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài việc kêu gọi sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng như thanh tra văn hóa, khoa học công nghệ, công an kinh tế, quản lý thị trường, công chức hải quan... doanh nghiệp cần tự mình hình thành một lực lượng đủ mạnh để chống lại những sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng một phòng ban hoặc tạo dựng một số nhân viên chuyên trách về lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết. Nhiệm vụ của họ chính là phát hiện vi phạm và có những kiến giải kịp thời để chủ động đối phó và bảo vệ quyền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự trợ giúp thường xuyên của các văn phòng, công ty luật hoặc chuyên gia về sở hữu trí tuệ cũng là hết sức hữu ích cho cuộc trường chinh chống lại sự vi phạm về sở hữu trí tuệ. Điều này đặc biệt cần thiết cho những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh. Ráo riết trên trận tuyến chống lại sự vi phạm bằng sự phối hợp với công an kinh tế, quản lý thị trường, thanh tra... để xử lý các chủ thể vi phạm, thậm chí là lựa chọn con đường tòa án để giải quyết các tranh chấp ngoài việc đưa đến những lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp là chấm dứt sự vi phạm thì nó còn đưa lại những lợi ích mang tính cộng hưởng xa hơn - đó chính là những lời cảnh báo đầy sức mạnh cho những kẻ đang lăm le ý đồ xâm phạm.


Một vài dòng để kết lại bài viết này, tôi chợt nhớ ai đó đã nói rằng: ở Việt Nam đang tồn tại tình trạng vi phạm “hồn nhiên” trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Người ta “cầm nhầm” tài sản của người khác, doanh nghiệp khác một cách quá đỗi vô tư mà không hề e lệ. Để tránh bị “cầm nhầm”, sự lựa chọn sáng suốt chính là nghĩ và hành động vì một chiến lược tổng thể bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt.







[1] Bài viết đăng trên Tạp chí Hàng hóa và Thương hiệu (số tết âm lịch 2008) - xin dành tặng cho giới thương nhân Việt Nam.

2 comments:

Chang said...

Thưa thầy, em là Trang, hiện là SV năm cuối trường DH NGoại Thương, chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế. Em đang làm khoá luận tốt nghiệp với tên đề tài là "Kinh nghiệm quốc tế về hệ thống bảo hộ quyền SHTT và khả năng áp dụng ở Việt Nam". Em lựa chọn tìm hiểu về hệ thống bảo hộ tại Mỹ, Pháp, Trung Quốc nhưng mà quả thật nói về SHTT thì nhiều chứ về Hệ Thống Bảo Hộ thì hiếm lắm( hoặc do khả năng tìm kiếm của em có hạn). Hiện nay em đang rất bí trong viêc tìm tài liệu về hệ thống pl bảo hộ của ba nước trên, em rất mong muốn đựơc làm quen và trao đổi với thầy về đề tài thú vị nhưng rất khó này ạ, và cũng mong được thầy giúp đỡ (hì!)

Chang said...

Cho đến hiện giờ, sau rất nhiều vụ bị vi phạm về SHTT, em không nghĩ là các doanh nghiệp VN, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh lại không hề có suy nghĩ gì về vấn đề tự bảo vệ nữa( bởi thực chất chính các DN mới là những kẻ rất nhạy cảm), thế nên vấn đề chắc không phải chỉ là nhận thức đâu ạ. Còn vì sao chúng ta vẫn bị ăn cắp, hay bị cầm nhầm tài sản có lẽ cần phải tìm hiểu thêm phải không ạ?