Sunday, November 25, 2007

Xây dựng đội ngũ luật sư quốc tế?




Xây dựng đội ngũ Luật sư quốc tế?

ThS. Nguyễn Bá Bình

ĐH Luật Hà Nội

Gần đây trước áp lực của việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO và đồng thời là việc càng ngày càng phát sinh nhiều vụ kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài, trên nhiều diễn đàn khác nhau từ nghị trường quốc hội cho tới những phát biểu của các quan chức cao cấp và cả giới doanh nhân một vấn đề được đưa lên thành tiên quyết đó là phải chuẩn bị được một đội ngũ chuyên gia pháp lý, đặc biệt là luật sư của Việt Nam có kiến thức pháp luật quốc tế, có khả năng tư vấn, giải quyết các vụ việc tranh chấp quốc tế - có thể gọi đó là xây dựng một đội ngũ luật sư quốc tế cho công cuộc hội nhập. Đặc biệt, còn có thông tin sắp tới Nhà nước sẽ cử khoảng 30 luật sư đi đào tạo ở nước ngoài để hướng tới việc xây dựng một đội ngũ luật sư quốc tế như đã nói ở trên. Liệu chiến lược xây dựng một đội ngũ luật sư quốc tế có như câu chuyện "dã tràng xe cát" hay không?

Dù rằng, chưa có một văn bản hay dự án chính thức nào, nhưng thông qua những phát biểu, thông tin thì việc xây dựng một đội ngũ luật sư quốc tế như vậy có thể được hiểu theo một trong hai cách: Thứ nhất, tạo dựng một đội ngũ luật sư Việt Nam am hiểu pháp luật của các nước khác như Mỹ, Anh,… để tư vấn cho doanh nghiệp Việt và để giúp doanh nghiệp Việt giải quyết các tranh chấp như trong vụ cá sa, cá ba tra. Thứ hai, hình thành một đội ngũ luật sư Việt Nam không phải am hiểu pháp luật của các nước cụ thể mà chỉ là am hiểu các luật lệ trong giao lưu buôn bán quốc tế nói chung (ví dụ như khuôn khổ pháp lý của WTO, các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế trong kinh doanh).

Nếu hiểu theo cách thứ nhất, chúng tôi cho rằng đấy là một chiến lược khá viễn vông. Bởi lẽ, pháp luật của mỗi quốc gia đều rất phức tạp và luôn biến chuyển không ngừng, vì thế ngay trong pháp luật của mỗi quốc gia thì mỗi luật sư cũng chỉ am hiểu một mảng hẹp nhất định (một luật sư Mỹ trong một cuộc toạ đàm ở Việt Nam đã từng chia sẻ rằng mặc dù cô ta là luật sư về thuế, nhưng nếu có ly hôn thì cô cũng sẽ phải thuê luật sư về ly hôn để tư vấn!). Chính vì thế, hầu như không luật sư nước ngoài nào nghĩ đến chuyện tìm hiểu và trở thành chuyên gia về luật của một quốc gia khác. Trong một dịp được trò chuyện với một Giáo sư luật học của Mỹ, ông có nói với tôi rằng không bao giờ có chuyện luật sư "quốc tế" theo nghĩa là luật sư ở nước này lại am hiểu luật pháp của nước khác và ở Mỹ hiện nay sinh viên chủ yếu đi học những ngành luật trong nước của họ, chứ không đặt ra vấn đề nghiên cứu xem xét quá sâu về luật pháp nước ngoài - bởi rất khó để cạnh tranh được với luật sư của các nước đó. Quay trở lại để xem các văn phòng luật sư quốc tế có chi nhánh ở hầu khắp các nước, chúng ta cũng thấy rằng cho dù đặt chi nhánh, văn phòng ở nhiều nước, nhưng đi đến đâu họ cũng phải sử dụng một đội ngũ luật sư của nước bản địa am hiểu luật pháp sở tại để tư vấn và giải quyết các vụ việc bằng pháp luật của nước đó, các luật sư đến từ nước ngoài chỉ xem xét về vĩ mô, xây dựng phong cách làm việc và tư vấn các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài.

Nếu hiểu theo cách thứ hai, chúng tôi cho rằng sẽ là khả thi hơn, bởi lẽ dù gì thì những quy định pháp lý của các tổ chức quốc tế (như WTO), điều ước quốc tế, tập quán quốc tế cũng khá ổn định và rõ ràng để có thể tiếp cận. Hơn nữa, đó cũng là nhu cầu nội tại phải hiểu biết của quốc gia khi chúng ta tham gia vào các tổ chức quốc tế, trở thành thành viên của các điều ước quốc tế hay thừa nhận các tập quán quốc tế. Tuy nhiên, nếu nói về chính sách xây dựng đội ngũ luật sư quốc tế theo hướng này thì theo chúng tôi cũng không nhất thiết phải đặt ra từ phía Nhà nước, bởi lẽ tự khắc nhu cầu của xã hội sẽ đòi hỏi đội ngũ luật sư phải tự hoàn thiện mình, tự trang bị cho mình các hiểu biết về các lĩnh vực pháp lý đó để có thể đáp ứng được. Việc đặt ra vấn đề đưa 30 luật sư đi đào tạo ở nước ngoài liệu sẽ đưa lại được kết quả gì đây? Chúng tôi cho rằng các kết quả mang lại là không nhiều, bởi lẽ: đặt tình huống khả năng ngôn ngữ của 30 luật sư đó là tương đối thì cái đích mà chúng ta hướng tới chỉ còn là làm sao để giúp họ hiểu hơn về các quy định pháp lý của các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế. Trong khi các quy định này đều đã được dịch ra tiếng Việt, còn các nguồn tham khảo có liên quan thì cũng có thể ngồi ở Việt Nam mà tham chiếu từ vô số tài liệu từ cả bản giấy cho đến file dữ liệu từ các trang Web về luật học. Nếu nói về việc học tập kinh nghiệm từ nước ngoài thì với đặc trưng của nghề luật cũng sẽ rất khó để với 4, 5 năm đi ra nước ngoài có thể mang lại một sự biến đổi về chất của đội ngũ này. Đó là chưa nói đến việc chúng ta sẽ đưa họ đi đâu: đến một trường đại học, đến một công ty luật, một đoàn luật sư hay một tổ chức quốc tế?

Tôi cho rằng, trong khi chưa thể mơ đến việc các văn phòng luật của Việt Nam có thể mở rộng quy mô và thành lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty con ở nước ngoài như Baker&Mc. Kenzie để qua đó có được một đội ngũ luật sư bản địa có khả năng tư vấn cho doanh nghiệp Việt thì cũng như các nước giải pháp tốt nhất để thâm nhập thị trường, giải quyết tranh chấp tại các quốc gia khác tốt nhất vẫn là dựa trên đội ngũ luật sư của nước đó. Chỉ có điều để tiết kiệm chi phí và tránh rủi ro thì có thể thông qua các văn phòng luật của Việt Nam để được giới thiệu tới một luật sư phù hợp. Còn chiến lược cho đội ngũ luật sư Việt Nam trong thời kỳ hội nhập vẫn là làm sao để nâng cao kiến thức pháp lý, hình thành các văn phòng luật sư mạnh để không bị các công ty luật nước ngoài đánh bại trên thị trường trong nước với chiến lược như từ trước tới nay họ vẫn làm ở các nước khác, đó là: thuê luật sư Việt để lại đánh bại các văn phòng luật sư Việt. Đấy mới là cái chúng ta phải làm và làm ngay!

(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - Văn phòng Quốc hội)

1 comment:

minhson said...

Hi hi...! Chiến lược cho đội ngũ luật sư Việt Nam trong thời kỳ hội nhập vẫn là làm sao để nâng cao kiến thức pháp lý, hình thành các văn phòng luật sư mạnh để không bị các công ty luật nước ngoài đánh bại trên thị trường trong nước với chiến lược như từ trước tới nay họ vẫn làm ở các nước khác, đó là: thuê luật sư Việt để lại đánh bại các văn phòng luật sư Việt. Đấy mới là cái chúng ta phải làm và làm ngay!
Một ý tưởng rất hay và có lý đấy chứ...