Tuesday, November 18, 2008

Tản mạn chuyện bồi thường Nhà nước...

Luật bồi thường nhà nước

- nước Nhật có thể là một tấm gương?

Thạc sỹ luật học Nguyễn Bá Bình

- Cố vấn pháp lý của Hãng luật WINLAW

(Bài viết cho Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp, số chủ nhật 23/11/2008)



Từ “Vua không bao giờ sai” đến “bồi thường nhà nước”


“Vua không bao giờ sai” đã là quan điểm đưa tới kết cục bồi thường nhà nước chưa bao giờ được đặt ra ở bất kỳ quốc gia nào cho tới trước thế kỷ 20. Tuy thế, chỉ với hơn 100 năm ra đời thì đã ngày càng có nhiều quốc gia thừa nhận vấn đề này trong pháp luật. Cùng với Luật bồi thường nhà nước ở Đức năm 1909, ở Mỹ năm 1946, ở Anh năm 1947 thì Nhật Bản được xem như một trong những quốc gia trên thế giới sớm có đạo luật về vấn đề này - Luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 1947. Dự thảo Luật về bồi thường nhà nước của Việt Nam cũng đã được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp lần này và có thể sẽ được thông qua trong năm tới. Làm luật thời nào cũng thế, cần có tinh thần tiếp thu tinh hoa pháp lý của nhân loại, đặc biệt là pháp luật những nước có nhiều sự tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nếu thế, thử xem Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản có gì hay?


Luật “nhỏ” nhưng phạm vi điều chỉnh không nhỏ


Một điều không khỏi ngạc nhiên đối với người xứ ta - nơi mà một đạo luật thường được cấu trúc khá đồ sộ với nhiều Chương mục, điều khoản là Luật bồi thường nhà nước của Nhật Bản lại chỉ vỏn vẹn với 6 điều luật (Điều 1: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do thực hiện công quyền; Điều 2: trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do sai phạm trong xây dựng và quản lý công trình công cộng; Điều 3: trách nhiệm cá nhân trong hai trường hợp nói tại Điều 1 và Điều 2; Điều 4: vấn đề áp dụng đồng thời Bộ luật dân sự để giải quyết bồi thường nhà nước; Điều 5: vấn đề áp dụng các đạo luật có liên quan đến bồi thường nhà nước; và Điều 6: vấn đề bồi thường thiệt hại cho người nước ngoài). Tuy thế, đạo luật này vẫn vận hành tốt với sự hỗ trợ của các học thuyết pháp lý, các văn bản pháp luật khác cũng như án lệ liên quan đến vấn đề yêu cầu bồi thường nhà nước.


Cho dù không quy định cụ thể các lĩnh vực mà Nhà nước phải bồi thường, nhưng qua việc diễn giải Điều 1 và Điều 2, ý kiến của các chuyên gia pháp lý Nhật Bản cũng như thực tiễn thi hành Luật bồi thường nhà nước đều thể hiện rằng bồi thường Nhà nước có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào: từ lập pháp, hành pháp cho tới tư pháp. Dù không loại trừ áp dụng nhưng cho tới nay số vụ việc yêu cầu bồi thường Nhà nước đối với lĩnh vực lập pháp và tư pháp ở Nhật Bản là không nhiều.


Đối với lập pháp, với sự hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, hiệu quả của các nghị sỹ dẫn tới các sai sót trong các đạo luật được ban hành gần như ít khi xảy ra. Mới chỉ có một án lệ liên quan tới việc Nghị viện Nhật Bản không ban hành một đạo luật để giải quyết một nạn dịch ở nước này. Trong vụ việc đó, những người bị thiệt hại đã yêu cầu Nhà nước bồi thường và họ đã thắng kiện.


Về tư pháp, thông qua hai cấp xét xử nhằm dùm tòa án cấp trên có cơ hội sửa chữa sai sót của tòa án cấp dưới, đồng thời bằng việc nâng cao điều kiện làm việc của thẩm phán, đề cao nguyên tắc độc lập xét xử mà các oan sai xảy ra trong quá trình xét xử bị hạn chế đến mức cao nhất. Thực tế ở Nhật Bản cho thấy chỉ có một số án lệ về yêu cầu bồi thường Nhà nước xuất phát từ hoạt động xét xử, trong đó nguyên nhân chỉ là thẩm phán vô ý hoặc cố ý tiến hành sai thủ tục tố tụng.


Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản cũng đưa ra các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước đó là: có chứng cứ về hành vi gây thiệt hại; hành vi gây thiệt hại xảy ra khi công chức đang thi hành công vụ; hành vi của công chức là vi phạm pháp luật; công chức phải có lỗi vô ý hoặc cố ý; có thiệt hại phát sinh cho người bị hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại được xác định gồm cả trường hợp “hành động” và “không hành động”. Thực tế, ở Nhật Bản đã có một vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước liên quan đến việc “không hành động” của một công chức. Ở vụ việc này, bà mẹ đứa bé bị chết cho rằng sự “không hành động” của một cảnh sát chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con mình.


Đối với vấn đề xác định phạm vi các loại thiệt hại được bồi thường, Luật bồi thường Nhà nước Nhật Bản đã tránh nguy cơ cồng kềnh và thiếu phù hợp của đạo luật bằng cách dẫn chiếu sang các đạo luật có liên quan như Bộ luật dân sự và các đạo luật chuyên ngành (Điều 4, Điều 5). Việc quy định theo hướng này cũng mở ra khả năng chủ động của tòa án trong việc xác định thiệt hại, bởi lẽ ở Nhật tòa án có quyền rất lớn trong việc áp dụng và giải thích pháp luật. Các án lệ của Nhật Bản cho thấy mức bồi thường được xác định là bằng với tổng giá trị thiệt hại xảy ra.


Trách nhiệm bồi thường: Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước


Theo Luật bồi thường nhà nước Nhật Bản thì chính Nhà nước chứ không phải cơ quan nhà nước cụ thể nào mới là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng chính là sự thừa nhận về cái gọi là “Nhà nước có thể sai” - “Vua có thể sai”. Việc thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước cũng tránh được tình trạng đùn đẩy, khó quy trách nhiệm nếu áp trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho các cơ quan nhà nước cụ thể khi việc gây thiệt hại cho dân không phải chỉ bởi một cơ quan nhà nước mà là nhiều cơ quan nhà nước. Cũng theo các đạo luật có liên quan thì Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan thay mặt Nhà nước Nhật Bản để tranh tụng trong các vụ kiện đòi bồi thường Nhà nước.


Cách thức xây dựng pháp luật bồi thường Nhà nước của Nhật Bản với một đạo luật bồi thường Nhà nước gọn nhẹ đặt trong chỉnh thể sự tương hỗ của Bộ luật dân sự, Luật đền bù hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật chuyên ngành quả là kinh nghiệm hay cho việc xây dựng một đạo luật được coi là “khá gai góc” như Luật bồi thường Nhà nước ở Việt Nam. Xa hơn nữa có thể nghĩ về mô hình xây dựng những đạo luật nhỏ gọn nhưng không kém hiệu lực như thế ở xứ ta - đó có thể là sự lựa chọn hiệu quả nhằm kiến tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp và theo kịp những biến động ngày mỗi nhanh và đa dạng của cuộc sống thường ngày.

3 comments:

MỌI và MỌI mà thôi said...

cảm ơn bạn đã giới thiệu đến mọi người phần kiến thức này

Ngô Long said...

Luat Tay thi hay, nhung kho ap dung bac nhey. Don cu la luat Nhat chi can dat nhung quy dinh chung, goi gon trong 6 dieu. Viec ap dung duoc thuc hien troi chay boi he thong toa an thuc su doc lap xet xu, khi dua vao nuoc ta, neu cu quy dinh "chung chung" thi lai la mot cau hoi lon roi!!!

Nguyen Ba Binh - HLU said...

Taro@: Thank chú Long từ Japan đã có comment. Smile! "Quy định ngắn gọn, cố gắng hạn chế sự cồng kềnh" đó là cái có thể tiếp thu chú ạ! Ở ta vẫn có tình trạng Luật "to" nhưng vẫn cứ "chung chung", từ đó mới có chuyện "Luật chờ Nghị định, Thông tư"!!!