Sunday, September 6, 2009

Án lệ - loại nguồn quan trọng bậc nhất tại Úc!


Án lệ - loại nguồn quan trọng bậc nhất tại Úc!

Nguyễn Bá Bình

(Nghiên cứu sinh tại ĐH New South Wales, Sydney; Bài viết cho Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp (số Chủ nhật, 30/08/2009))


Với những luật lệ được người Anh thiết lập từ những ngày đầu đặt chân tới Úc và áp đặt sự cai trị tại nước này thì thật không có gì đáng ngạc nhiên khi Úc cũng là một trong những nước thuộc dòng họ pháp luật chung Anh – Mỹ (Common Law). Khác với Việt Nam – một nước mang nhiều đặc điểm nổi trội của dòng họ pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law), có bốn loại nguồn luật được áp dụng tại Úc: Án lệ (Common Law – trong dòng họ pháp luật Anh – Mỹ, án lệ chính là một loại nguồn được coi trọng hàng đầu vì thế “Common Law” được dùng để gọi tên cho dòng họ này), Luật của Nghị viện (Statute Law), Luật quy định chi tiết Luật của Nghị viện (Subordinate Legislation) và Tập quán (Custom).

Án lệ - nguyên lý mới trong xét xử chứ không phải là bản thân phán quyết

Án lệ chính là hệ thống quy định pháp lý được hình thành, phát triển thông qua các phán quyết của thẩm phán trong hàng loạt vụ việc xảy ra từ trước đó rất lâu. Tuy đôi khi những tư tưởng trong các phán quyết mới được tuyên cũng có thể trở thành án lệ, thường án lệ phải được hình thành trong hàng thế kỷ. Điều tạo nên án lệ không phải là phán quyết cho một vụ việc cụ thể nào đó mà là những nguyên lý, tư tưởng mà từ đó hình thành phán quyết. Với các vụ việc kiện tụng cực kỳ nổi trội thì thông thường sẽ tạo nên án lệ cho các vụ việc tương tự. Mỗi vụ việc tương tự ấy sẽ góp phần nhỏ trong việc phát triển hơn nữa tư tưởng của phán quyết đầu tiên. Vì lẽ đó, Pháp quan Donaldson trong vụ án Parker kiện British Airway Board [1982] tuyên bố rằng thẩm phán “có quyền và cũng là bổn phận để mở rộng và phỏng theo án lệ - những nguyên tắc xét xử đã được thiết lập trước đó và nhu cầu hiện tại của xã hội. Điều đó không có nghĩa là thẩm phán xét xử chỉ với tờ giấy trắng. Để có thể xét xử, thẩm phán phải rút ra từ kinh nghiệm của quá khứ thông qua các phán quyết được tuyên trước đó”.

Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa một phán quyết với các nguyên lý rút ra từ phán quyết thông qua một vụ việc mà trong đó một người đi xe máy bị kiện vì việc lái xe gây ra thiệt hại. Quan tòa đã tuyên người lái xe phải đền bù một khoản tiền cho các thiệt hại. Phán quyết này không thiết lập nên bất kỳ nguyên tắc xét xử nào nên nó không thể cấu thành án lệ. Tuy nhiên, nếu quan tòa nhận định rằng đối với vụ việc này một hoặc cả hai bên có sự bất cẩn và đánh giá sự bất cẩn đó bằng việc áp dụng một nguyên lý, cách thức nào đó thì nguyên lý, cách thức đánh giá ấy sẽ tạo nên án lệ. Ví dụ, về cùng vụ việc như vậy, thẩm phán Wells của tòa tối cao Bang Nam Úc đã nhận định: “Để hoàn thành vai trò của tòa án đối với vụ việc, thẩm phán, trong sự hiểu biết tốt nhất của mình, phải thể hiện được quyết định của mình về các chuẩn mực hành xử phù hợp được hình thành và thường được duy trì bởi cộng đồng. Theo cách đó việc điều hành pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn và đáp ứng được sự kì vọng chính đáng của cộng đồng. 3 hay 4 thập niên trước, thông thường sẽ là phù hợp khi cho rằng lái xe phải xử lý tình huống khẩn cấp của xe và việc đi lại của người đi bộ khi họ xuất hiện, nhưng người lái xe không bắt buộc phải nhìn quá xa về phía trước và phát hiện ra tình huống có thể xảy ra. Ngày nay, tôi cho rằng nhận định trên đã thay đổi cơ bản. Dân số tăng cao, một bộ phận lớn các gia đình có ít nhất một ô tô và thường là hai, tai nạn ngày càng nhiều và chết do tai nạn giao thông trở nên phổ biến. Trong bối cảnh ấy, tôi cho rằng, tòa án, khi thực hiện vai trò xét xử, có quyền yêu cầu những người lái xe máy tiêu chuẩn về cái được gọi là lái xe mang tính chất phòng bị, hay sự cẩn thận mà không chỉ nhìn thấy ngay lập tức các nguy hiểm mà còn phải nhìn rõ phía trước và tính trước các nguy hiểm tiềm ẩn”. Phán quyết này rõ ràng là một ví dụ điển hình về cách hình thành án lệ khi đã đưa ra một nguyên lý mới về việc đánh giá vụ việc.

Chỉ tòa cấp cao mới có thể tạo nên án lệ

Để xác định phán quyết nào hình thành nên án lệ thì còn phải tính đến việc tòa án đã tuyên là tòa án nào. Ở Úc, tòa thấp nhất là Tòa hành chính địa phương (Magistrates’ Court) – do một quan chức hành chính địa phương hoặc những hòa giải viên hoặc cả hai điều khiển. Trên tòa này là một loạt các tòa ở các cấp bậc khác. Một vài loại tòa trong đó có thể tạo nên các phán quyết mang tính chất án lệ. Sự khác biệt giữa tòa án có thể và tòa án không thể tạo ra án lệ thậm chí không phụ thuộc vào việc người điều khiển tòa có phải là thẩm phán hay không. Ví dụ, tòa án Hạt – tương đương Tỉnh (County Court), ở Anh và bang Victoria – Úc, được điều khiển bởi một thẩm phán, nhưng các nguyên lý tạo ra bởi phán quyết của thẩm phán đó lại không được coi là tạo nên án lệ. Lý do là chỉ có tòa cấp trên mới có thể tạo ra án lệ. Ở Úc, các tòa cấp cao là tòa tối cao của mỗi Bang, tòa tối cao của Lãnh thổ Thủ đô Úc và tòa tối cao của Lãnh thổ phía Bắc (Úc có 6 Bang - New South Wales, Queensland, Nam Úc, Tasmania, Victoria và Tây Úc và 2 vùng lãnh thổ chính là Lãnh thổ phía Bắc và Lãnh thổ Thủ đô Úc), tòa án Liên Bang (the Federal Court), tòa án gia đình (the Family Court), tòa lao động (the Industrial Relations Court) và tòa án cao cấp thẩm quyền chung Úc (the High Court of Australia).

Tuy thế, án lệ không chỉ giới hạn đối với các phán quyết của tòa án cấp cao trong nước Úc. Các phán quyết bởi các tòa tương đương của Anh và của New Zealand thường được viện dẫn bởi các luật sư như là các tài liệu từ đó án lệ được phát hiện. Phán quyết của tòa án cấp cao của Canada, tòa án cấp cao của Mỹ cũng có thể được sử dụng như là án lệ.

Không phải tất cả phán quyết của tòa cấp cao đều tạo nên án lệ. Có rất nhiều phán quyết dựa vào bản thân các tình huống thực tế và không hàm chứa các nguyên lý mới và cũng không có sự phát triển bất kỳ nguyên lý xét xử nào. Những phán quyết như thế dĩ nhiên không tạo nên án lệ. Phán quyết của tòa cấp cao được xem xét bởi các chuyên gia pháp lý nhiều kinh nghiệm để xác định liệu nó có nên xuất bản để góp phần phát triển án lệ hay không. Những phán quyết này sẽ được ấn hành trong hàng loạt cuốn sách với tên gọi “Hồ sơ tòa án” (Law Reports). “Hồ sơ tòa án” đã tồn tại trong rất nhiều thế kỷ, sớm nhất đó là “Sách thường niên” (the Year Books) dưới thời Vua Edward II (năm 1290). Tuy thế, với một người ngoại đạo về luật thì khi vào thư viện công cộng hay thư viện luật để tìm kiếm thì có thể sẽ bị lầm đường lạc lối bởi sự thật là có hàng loạt hồ sơ tòa án không phải của tòa cấp cao – nghĩa là không hàm chứa án lệ.

Án lệ - sự thú vị nằm ở chỗ “không phải là một đạo luật thành văn”!

Người ta vẫn nói về Án lệ với tính ưu việt trong việc áp dụng linh hoạt trong xét xử. Thật dễ dàng cho tòa án trong việc chấp nhận một cách tiếp cận có giới hạn đối với các đóng góp của mỗi phán quyết đối với sự phát triển của Án lệ. Chính sự mềm dẻo của án lệ và khả năng của các thẩm phán áp dụng các nguyên lý vào tình huống thay đổi đã tạo nên sức mạnh của nó. Án lệ có thể thay đổi và thích ứng để thỏa mãn nhu cầu thay đổi của cuộc sống biến chuyển nhanh chóng. Lẽ dĩ nhiên, Án lệ không phải là một đạo luật. Nhưng sự thú vị lại nằm ở đó - sức mạnh mà Án lệ có được là vì nó không phải là một đạo luật, bởi đạo luật thì luôn hàm chứa tính không linh động!

1 comment:

Anonymous said...

Hi! І understand this іѕ kind of оff-toрiс but I had tο ask.
Does running a well-established blog such as yourѕ require a
large amount of work? I'm completely new to operating a blog however I do write in my diary daily. I'd like tο
start a blog so I can share my experiеncе and thοughts online.
Ρlease let me know if you have аnу κind of
iԁeas or tips for brаnd new aspiring blog ownеrs.
Thankyou!

my blog post ... taste of san francisco tour