Wednesday, April 2, 2008

Đào tạo theo tín chỉ - cảm nhận và sẻ chia

Đào tạo theo tín chỉ tại Đại học Luật Hà Nội -

vài cảm nhận và sẻ chia

ThS. Nguyễn Bá Bình[1]

“Cũ người mới ta” - đào tạo theo tín chỉ đã là câu chuyện quá quen thuộc với các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhưng lại đang ở một vài bước đi đầu tiên của nền giáo dục đại học Việt Nam. Trong bối cảnh mà cả thầy lẫn trò đang “chập chững” trong lộ trình chuyển dần từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ thì việc cùng sẻ chia để rồi từng bước nâng cao hiệu quả trong giảng dạy và học tập là một điều quá ư thiết thực. Bỏ qua câu chuyện về sự cần thiết của việc chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, bài viết gửi gắm một vài cảm nhận của tác giả về những đổi thay, về những ghi nhận bước đầu và những điểm cần làm cho đào tạo theo tín chỉ ở Đại học Luật Hà Nội.

Những đổi thay...

- Người giảng bớt dần việc thuyết trình và người học phải tự mình nghiên cứu nhiều hơn.

Nếu như trước đây những kiến thức được cho là “cơ bản” của môn học (nghĩa là các vấn đề được chắt lọc và đưa ra trong giáo trình) đều được giảng viên thuyết trình cho sinh viên thì điểm dễ thấy nhất khi chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ chính là việc giảm bớt nội dung cần phải thuyết trình của giảng viên. Chẳng hạn bài hợp đồng trong tư pháp quốc tế gồm có 3 vấn đề chính, trước đây đều được giảng viên thuyết trình trên lớp thì nay chỉ có 2 vấn đề được thuyết trình, vấn đề còn lại sinh viên tự nghiên cứu.

- Giảng viên chú trọng vào việc thuyết giảng những vấn đề hóc búa, then chốt, gợi mở và hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu.

Không chỉ hạn chế các vấn đề thuyết giảng, đào tạo theo tín chỉ với việc giảm tải thời lượng thuyết trình đặt ra cho người dạy sự cần thiết trong việc thay đổi cách thức truyền giảng. Với sự hạn hẹp về thời gian thuyết trình, đồng thời do việc gia tăng việc tự nghiên cứu của sinh viên đối với những nội dung của môn học đặt ra một nhu cầu tất yếu cho giảng viên là không nên thuyết giảng một cách dàn trải các vấn đề mà cần thiết phải lựa chọn những nội dung quan trọng và khó có thể tự nghiên cứu đối với sinh viên. Quan trọng không kém là việc phác thảo những định hướng và gợi mở cho sinh viên cách thức tự nghiên cứu các nội dung còn lại của bài giảng.

- Xây dựng kỹ năng làm việc nhóm, tăng cường sự chủ động trong nghiên cứu của sinh viên.

Đào tạo theo tín chỉ với việc thiết lập các giờ Seminar (trong đó có việc chia tách vấn đề thảo luận theo nhóm) và giờ làm việc nhóm đã cho phép từng bước tạo dựng một trong những “kỹ năng mềm” của sinh viên đó là kỹ năng làm việc nhóm. Những giờ làm việc nhóm sẽ là những khoảng thời gian quý báu giúp sinh viên chủ động trong việc nghiên cứu các nội dung của môn học.

- Bài tập cá nhân, bài tập nhóm, bài tập lớn và thi cuối kỳ cho phép đánh giá được quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nhưng phải nói một cách công bằng rằng đào tạo theo tín chỉ cho phép chúng ta đánh giá một cách chính xác và toàn diện hơn quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Điểm số của môn học được cấu thành từ rất nhiều thành tố và mang tính bao quát. Nó cho phép đánh giá khả năng làm việc độc lập (bài tập cá nhân, bài tập lớn, thi cuối kỳ), khả năng cộng tác (bài tập nhóm); đồng thời với việc cộng hợp nhiều điểm số cũng cho phép hạn chế việc đánh giá mang tính chất lát cắt trước đây (sinh viên chỉ thi một lần để lấy điểm).

Những ghi nhận bước đầu và một vài gợi mở mang tính khuyến nghị...

Trong vô vàn những cái “được” và “chưa được” của việc triển khai đào tạo theo tín chỉ ở Đại học Luật Hà Nội có thể dẫn ra một vài điều tạm cho là cơ bản như sau:

Cái “được” từ phía giảng viên đó là sự gia tăng khả năng chủ động trong lựa chọn vấn đề, nội dung thuyết trình. Nếu như trước đây, một chương giáo trình với 4, 5 đề mục trong đó có những đề mục giảng viên thấy rằng sinh viên có thể tự nghiên cứu được nhưng vẫn phải thuyết trình (nhiều giảng viên cho rằng thuyết trình những vấn đề này thực sự nhàm chán vì cũng không có gì để phải giảng giải nhiều!) thì nay giảng viên có thể lựa chọn những nội dung mà mình cho là trọng yếu, sinh viên khó có thể tự nghiên cứu để truyền giảng, những nội dung đơn giản hơn thì dành cho sinh viên tự nghiên cứu. Một điểm “được” nữa đối với giảng viên đó là bản thân việc giao các tài liệu bắt buộc, tham khảo cho sinh viên nghiên cứu cũng tạo nên một lực đẩy giúp giảng viên tích cực hơn trong nghiên cứu để mở mang, nâng cao kiến thức của bản thân.

Đối với sinh viên, điểm “được” lớn nhất chính là đào tạo theo tín chỉ thực sự như một cú hích cho tinh thần “tự học” của họ. “Học tập ở đại học là tự học” đã tồn tại như một khẩu hiệu chứ chưa phải là thực tế nơi giảng đường trong suốt những năm qua. Thầy có nhiệm vụ nói hết những gì cần nói cho sinh viên và sinh viên thì ghi chép toàn bộ những gì thầy nói đã là một thói quen góp phần kìm hãm và thậm chí đẩy lùi tinh thần “tự học” của sinh viên. Giờ đây, giảng viên chỉ thuyết trình một số vấn đề, một số vấn đề được chỉ định một cách rõ ràng cho sinh viên tự nghiên cứu đã từng bước buộc sinh viên phải “xắn tay” chung sức cùng làm việc với giảng viên, chứ không phải chờ đợi thầy cô nghiên cứu rồi “nói lại” cho mình. Đào tạo theo tín chỉ cũng đã dần góp phần thúc đẩy, tạo dựng khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng cộng tác làm việc nhóm của sinh viên. Đây là những kỹ năng vô cùng thiết yếu trong một thời đại mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở những cô cậu cử nhân rất nhiều “kỹ năng mềm” bên cạnh những kiến thức nền tảng.

Song hành với những cái “được”, cũng không thể không thấy rằng vẫn còn nhiều điều “chưa được”, nhiều việc cần làm để đào tạo theo tín chỉ đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất. Với giảng viên, dường như cách thức giảng dạy theo tín chỉ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của giảng dạy theo niên chế. Sự thay đổi trong thuyết giảng có vẻ mới chỉ đơn thuần mang tính “cơ học” - nghĩa là cắt giảm tiểu mục khi giảng dạy (nếu trước đây có 4 mục, thì nay bài giảng chỉ có 2 mục), chứ chưa phải là một sự thay đổi về “chất” cách thức truyền giảng. Cần phải thấy rằng, đào tạo theo tín chỉ không chỉ dừng lại và không nên hiểu một cách khô cứng là sự giảm số lượng vấn đề thuyết trình mà sâu xa hơn là sự cần thiết của việc thay đổi nội dung bài giảng, cách thức truyền giảng. Khi chúng ta đòi hỏi việc tự nghiên cứu nhiều hơn, cao hơn của sinh viên thì bản thân các vấn đề mà giảng viên thuyết trình cũng phải thực sự đi sâu hơn và đi kèm là gợi mở các ý tưởng nghiên cứu tiếp theo cho sinh viên. Như vậy, tuy số đề mục, thời lượng thuyết trình của giảng viên giảm xuống nhưng không có nghĩa là giảng viên “nhàn hơn” trong đào tạo theo tín chỉ, mà thậm chí là “vất vả” hơn.

Cho dù tinh thần “tự học” của sinh viên đã được khơi dậy, song điều này là chưa nhiều và chưa thực sự sâu rộng. Còn ít sinh viên có được sự chủ động trong nghiên cứu, thậm chí có cảm giác rằng thái độ chờ đợi giảng viên nghiên cứu “hộ” vẫn đang hiện hữu. Những đề mục được để lại trong giáo trình cho sinh viên tự nghiên cứu rốt cuộc phần lớn đều không được sinh viên xem qua dù chỉ một lần. Khi mà giáo trình còn vậy thì khó mà hy vọng gì ở việc tham khảo các tài liệu được dẫn ra trong đề cương môn học của sinh viên. Không chỉ về thái độ học tập, sinh viên vẫn còn thiếu khả năng để cộng tác, làm việc nhóm với nhau. Các giờ Seminar, giờ làm việc nhóm tuy được thiết kế theo mô hình sinh viên thảo luận theo nhóm, nhưng rồi kết quả mang lại hiện nay vẫn là sự làm việc đơn lẻ của từng cá nhân và thậm chí là chỉ của một vài cá nhân. Thiết nghĩ trong bối cảnh chưa có một môn học hay chuyên đề riêng biệt về kỹ năng làm việc nhóm thì với những môn học đầu tiên triển khai đào tạo theo tín chỉ cần phải dành một thời lượng nhất định hướng dẫn cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trong làm việc nhóm. Việc tăng cường khả năng “tự học” của sinh viên chắc sẽ trở nên hiệu quả nhất khi chúng ta có sự đánh giá nghiêm túc về kết quả học tập, rèn luyện. Trong thời đại này có lẽ không lời khuyên dạy nào tốt bằng những sức ép khách quan. Khi sinh viên thấy rằng cần phải học để “ít nhất” là vượt qua được kỳ thi thì cũng đủ để họ phải bắt tay vào quá trình “tự học”. Nếu việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên vẫn còn có những sự nhượng bộ, châm chước thì chắc rằng câu chuyện “tự học” vẫn còn khá xa vời đối với phần lớn sinh viên.

Dù còn đó nhiều chuyện cần bàn, nhưng để kết lại bài viết này tôi muốn đề cập đến vai trò của thư viện trong bối cảnh đào tạo theo tín chỉ. Chắc nhiều người sẽ đồng tình rằng đào tạo theo tín chỉ sẽ khó lòng thành công nếu thiếu đi một yếu tố then chốt là khả năng đáp ứng của thư viện. Không quá khó để nhận ra và đồng thuận là thư viện luôn được coi như trung tâm của những trường đại học danh tiếng trên thế giới này. Đào tạo theo tín chỉ lại càng cần có một cái nhìn như thế về thư viện. Đào tạo theo tín chỉ với việc đòi hỏi sinh viên tham khảo nhiều tài liệu bên ngoài bài giảng, giáo trình đặt ra một sự thay đổi nhu cầu bạn đọc và tài liệu rất lớn cho thư viện. Nếu thiếu đi sự đồng hành và phát triển mạnh mẽ trong việc đáp ứng về kho tư liệu, về phòng đọc cho sinh viên thì chắc chắn sẽ vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa mục tiêu và hiệu quả mang lại trong đào tạo theo tín chỉ. Bởi thật khó nói đến hiệu quả cao khi mà chúng ta đòi hỏi sinh viên phải đọc, phải tự nghiên cứu nhiều hơn nhưng lại không mở ra cho họ những cơ hội để tiếp cận tài liệu!

(Bài viết thuộc Kỷ yếu Hội thảo "Giảng dạy theo tín chỉ..." tổ chức ngày 02/04/2008 tại ĐH Luật Hà Nội)



[1] Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Khoa pháp luật quốc tế, ĐH Luật Hà Nội.

1 comment:

Hanhnguyen said...

Em chào thầy ạ!Em là 1 học trò của Thầy. Em đọc blog của Thầy từ lâu rồi,nhưng lúc Thầy dạy lớp em giờ thuyết trình em không nhận ra. Về cơ bản, em rất khâm phục sự học tập,nghiên cứu của Thầy.