Saturday, April 12, 2008

Viết luận văn luật học...

Viết luận văn luật học

- vài suy nghĩ về một quy trình tối ưu

ThS. Nguyễn Bá Bình[1]

Mải mê với giảng dạy và nghiên cứu, mải miết với những công trình, bài viết mang tính chất chuyên môn cho các diễn đàn luật học, rồi một ngày cuối năm ngẫu nhiên gặp một bài viết của một du học sinh Việt Nam ở nước ngoài về cách viết luận văn, nghĩ về những sinh viên luật của mình, tôi chợt thấy nên có một vài sẻ chia để góp phần làm sáng tỏ hơn công việc gian nan này. Ai đó đã nói rằng: “Để làm một việc mang tính khoa học cần bắt đầu từ một quy trình khoa học”. Vì thế, xin được dành tặng bài viết này cho các bạn sinh viên và cả những ai sắp sửa bước vào con đường tạo dựng một công trình được coi là khoa học - luận văn. “Viết luận văn”, chỉ 3 chữ ấy thôi nhưng đó là cả một quá trình công phu, dẫu thế, cũng có thể thâu tóm được ở những bước đi có thể nói là cốt tử sau đây.

I. Chọn đề tài nghiên cứu

Đây là công đoạn có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn, vì thế bạn cần phải nghiêm túc trong việc lựa chọn đề tài. Những câu hỏi cần được đặt ra khi lựa chọn cho mình một đề tài phù hợp đó là:

1. Đề tài có tính thời sự không?

2. Đề tài có gần gũi với bạn không? (bạn đã nghiên cứu được chút nào về lĩnh vực đó chưa?)

3. Tài liệu liên quan đến đề tài có nhiều không? có dễ tìm kiếm và thu thập?

4. Đề tài có liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của bạn hay ít ra là có giúp ích gì đó cho công việc sau này không?

5. Bạn chọn đề tài để có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực đó hay để có một điểm số cao khi bảo vệ hay cả hai mục tiêu này?

Hãy trả lời các câu hỏi trên và từ đó tìm thấy cho mình một đề tài phù hợp.

II. Chọn người hướng dẫn

Sau khi chọn xong đề tài, đến lượt bạn phải chọn người hướng dẫn. Câu hỏi đặt ra cho giai đoạn này đó là:

1. Bạn chọn người hướng dẫn để có lợi thế khi bảo vệ luận văn vì những yếu tố nằm ngoài khoa học hay để nhận được những lời hướng dẫn hữu ích?

2. Đề tài bạn chọn, người hướng dẫn có khả năng giúp bạn hay không (vì rằng, không phải đề tài nào người thầy mà bạn chọn cũng có thể hướng dẫn được (do sự chuyên môn hóa) và thêm vào đó có thể nó không thuộc lĩnh vực nghiên cứu ưa thích của người hướng dẫn)?

3. Bạn trông đợi gì ở người hướng dẫn (giúp bạn về những ý tưởng chính hay những góp ý mang tính câu chữ, chi tiết hay chỉ là địa chỉ hữu ích để bạn tìm kiếm tài liệu...)?

4. Khả năng hợp tác của bạn với người hướng dẫn ở mức độ nào (tính cách người hướng dẫn, thời gian của người hướng dẫn...)?

Hãy trả lời các câu hỏi trên và tìm cho mình một người hướng dẫn phù hợp (khi bạn có được bài viết này, e rằng bạn đã phải lựa chọn người hướng dẫn, dẫu vậy bạn vẫn có cơ hội thay đổi của mình!).

III. Thống nhất một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện đề tài với người hướng dẫn

1. Thống nhất tên đề tài, phạm vi nghiên cứu đề tài;

2. Thống nhất phương thức trao đổi giữa người hướng dẫn với người thực hiện đề tài (địa điểm gặp, thời gian gặp, phương tiện trao đổi thông tin (email, fax, mobile...), nội dung trao đổi (thường thì đó là những vướng mắc về ý tưởng bạn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, chứ không phải là “đoạn này em không biết viết thế nào cả”)).

IV. Định hình cách thức triển khai đề tài

Để hoàn thành đề tài đã chọn và đã thống nhất với người hướng dẫn, bạn nên triển khai theo trình tự sau và nhớ rằng kèm theo đó là một thời gian biểu phù hợp cho từng công đoạn:

1. Tìm và đọc các tài liệu liên quan để xây dựng một đề cương (đề cương này sẽ được thống nhất với người hướng dẫn);

2. Triển khai viết từng phần (thường là từng chương) và chuyển cho người hướng dẫn góp ý (trong quá trình viết bạn có thể hỏi ý kiến người hướng dẫn về các vướng mắc)?

3. Hoàn thành việc viết, đọc lại toàn bộ luận văn và trau chuốt ngôn từ, ngữ pháp cũng như thực hiện các công đoạn về hình thức theo yêu cầu của nhà trường (in, đóng quyển).

V. Tìm tài liệu

Bạn có thể tìm thấy tài liệu liên quan đến đề tài ở rất nhiều nguồn:

1. Thư viện (nên chú ý tìm xem có luận văn nào đã thực hiện trước bạn về đề tài này hay không);

2. Websites, báo, tạp chí... (đây có lẽ là một trong những nguồn dễ tìm kiếm và tìm nhanh nhất hiện nay);

3. Từ các cơ quan có liên quan đến đề tài của bạn;

4. Từ những người quen biết.

VI. Đọc tài liệu

Đọc thực sự là phần quan trọng trong việc viết luận văn, nó quyết định tới hơn 50% sự thành công, vì rằng “không có đọc thì không có viết”! Vấn đề của bạn chỉ là “làm sao đọc có hiệu quả”? Những điểm cần làm đó là:

1. Đọc có mục đích?

Không nên vớ cuốn nào cũng đọc từ đầu đến cuốn như đọc thơ, đọc truyện. Hãy đọc một cách có chọn lọc! Tiêu chí đầu tiên để chọn đó chính là tên đề tài - tài liệu đọc phải liên quan đến tên đề tài. Đối với sách, cầm lên, đọc tựa đề, tên tác giả; mở ra, xem năm xuất bản, mục lục, tên chương, số trang. Đến mỗi trang, chỉ nên nhìn lướt qua, nếu thấy liên quan đến đề tài thì đọc, không thì hãy bỏ qua.

2. Ghi chú khi đọc?

Bạn cần có 1 cuốn sổ nhỏ để dành cho việc ghi chép trong suốt quá trình đọc. Hãy ghi chú tên tác giả, tên sách, tên tạp chí, nhà xuất bản, năm xuất bản cho mỗi cuốn sách, bài báo, tạp chí mà bạn đọc. Nó sẽ giúp bạn điểm mặt được những tài liệu đã đọc qua và dễ dàng cho việc tìm để xem lại sau này.

Mỗi khi tìm thấy những phần bổ ích trong sách, báo, hãy đánh dấu lại bằng bút nhớ dòng, hoặc chú thích ra lề (nếu đó là sách, tạp chí, báo của bạn); cùng với đó hãy ghi chú vào cuốn sổ nhỏ của bạn phần đó thuộc về trang nào, cuốn sách, tạp chí, báo nào (một cách đủ chi tiết để trích dẫn sau này) và đặc biệt là phần đó có liên quan đến vấn đề nào (đề mục nào của đề cương) của luận văn.

VII. Viết

Cứ ngỡ viết là tiết mục đầu tiên của quá trình viết luận, tuy nhiên bạn thấy đấy, nó lại ở tít tắp tận cuối của chu trình. Nhưng khi đến được bước này, có thể coi như bạn đã đi được 70% của việc viết luận. Hãy để ý những vấn đề sau đây:

1. Đề cương (Outline)

Như bản vẽ của một ngôi nhà, đề cương giúp cho bạn biết mình đang ở đâu trong quá trình “thi công” luận văn và nó quyết định một cách cơ bản vẻ đẹp của ngôi nhà - “bản luận văn”. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên cần “đầu tư” có chiều sâu cho hạng mục này.

Theo cách viết luận văn thông thường và được hầu hết hội đồng chấm luận văn ở Việt Nam cho là “chuẩn” chính là một đề cương luận văn gồm 3 chương (ngoài lời nói đầu và kết luận). Trong đó Chương I là tổng luận về những vấn đề thuộc về lý luận của đề tài (thường được đặt với cái tên như “Một số vấn đề lý luận cơ bản về...”, “Khái quát về...”); Chương II thường là khảo cứu những vấn đề thuộc về pháp luật thực định hoặc/và thực tiễn về vấn đề thuộc đề tài nghiên cứu (tên của Chương này thường là “Thực tiễn pháp lý về...” hoặc “Thực trạng về...”); và Chương III sẽ là một số khuyến nghị của tác giả (tên gọi thường là “Một vài khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật về...”). Đối với một luận văn tốt nghiệp của sinh viên, để gọn hơn thì bạn cũng có thể nhập 2 chương II và III vào thành 1 chương.

Một chút thời gian để nói về Lời nói đầu và Kết luận, với Lời nói đầu bạn nên dạo đầu bằng vài dòng khái quát về vị trí, tầm quan trọng của đề tài trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn. Sau đó bạn nên dẫn ra một cách khéo léo về tên đề tài. Và rồi nên chỉ ra phạm vi nghiên cứu của luận văn và phương pháp nghiên cứu. Kết thúc hợp lý cho Lời nói đầu có lẽ chính là đưa ra kết cấu của luận văn. Phần Kết luận nên viết trong vòng 1 trang, trong đó nên đi một cách trực diện bằng việc kết luận về những vấn đề đã làm và làm được của luận văn.

Tuy gọi là đề cương, nghĩa là cái khung của luận văn, nhưng một đề cương tốt không nên dừng lại ở tên Chương, bạn hãy chi tiết hóa đề cương đến từng tiểu mục nhỏ nhất, thậm chí tuyệt vời hơn nữa là hãy gạch ra những ý chính cho từng tiểu mục (hãy nhớ rằng, ngay cả trong quá trình viết luận văn, bạn cũng có thể chỉnh sửa, thêm bớt những ý tứ thuộc đề cương).

2. Bắt tay vào viết

Khi viết, bạn hãy viết ngay khi có những ý tưởng chợt đến trong đầu và đừng ngần ngại về câu từ, ngữ pháp. Tùy vào mỗi người, nhưng điều có thể khẳng định đó là: nếu theo chiều thuận bạn sẽ viết từ mục đầu cho đến mục cuối, nhưng cá biệt bạn cũng có thể viết ở bất cứ đề mục nào trước mà bạn thích. Dẫu vậy, riêng mục “đề xuất” có lẽ phải được viết cuối cùng.

Viết xong mỗi phần hoặc mỗi chương bạn nên xem lại để trau chuốt về ngôn từ, cú pháp và biết đâu đấy, khi xem lại bạn sẽ có được những ý tưởng mới phát sinh.

Về ngôn ngữ viết, như ai đó đã nói “từ ngữ là da thịt của bài viết”, một bài viết dù có cấu tứ tốt, ý tưởng tốt, nhưng thiếu những câu từ chuẩn xác và “đẹp” thì cũng như một bữa ăn chỉ có thịt cá mà thiếu đi rau quả. Mỗi dạng văn chương đòi hỏi những phong cách và chuẩn mực riêng về ngôn ngữ. Đối với luận văn và đặc biệt là luận văn chuyên ngành luật bạn hãy chọn lối viết mang phong cách chính luận, trong đó nói gì thì nói, tính logic trong mạch viết rõ ràng là đòi hỏi đầu tiên. Những điểm cần chú ý tiếp theo về ngôn ngữ, thiết nghĩ tập trung ở những 3 tiêu chí sau: 1, nghiêm túc (không viết tắt (nếu không có chú giải từ trước), không viết lóng, không viết theo văn nói); 2, rõ ràng (hãy viết sao cho người đọc hiểu được một cách dễ dàng, đừng viết mang tính chất thách đố về “cách hiểu ngôn từ”); và 3, chuẩn xác (nhiều từ ngữ phổ biến trong đời thường nhưng lại là không chuẩn xác dưới góc độ luật học, hãy thận trọng!).

VIII. Kiểm tra và... đóng quyển

Sau khi viết xong toàn bộ luận văn, bạn nên dành thời gian đọc lại ít nhất 3 lần. Khi đọc lại bạn sẽ có thêm cơ hội để sửa chữa, bổ sung ý tưởng, câu từ, đặc biệt là rà soát những lỗi thuộc về hình thức. Một sự kiểm tra tốt cần có sự tham gia của bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt những người có chuyên môn trong lĩnh vực bạn nghiên cứu.

Kết thúc cho một hành trình, cho dù là một động tác hết sức đơn giản, hãy nhớ trong suốt quá trình viết phải biết thực hiện những cú “save” cần thiết để lưu lại những câu chữ quý giá mà bạn đã bỏ nhiều công sức để tạo nên. Và... còn gì nữa, đóng quyển thôi, bạn đã đi hết những ngày buồn, vui của cái gọi là “viết luận”!



[1] Thạc sỹ luật học, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

4 comments:

phunhuan said...

Luận văn với trường Luật là để phân biệt một số đối tượng theo em nghĩ. Với em thực tập đúng cách và đúng nghĩa đối với sinh viên Luật tại thời điểm này mang sẽ tốt hơn khi chúng em đã có 3 năm rưỡi lý thuyết khô khan và khó hiểu...^-^

Nguyen Ba Binh - HLU said...

Cảm ơn em đã comment! Quan điểm của mình là thế này: Viết luận hay thực tập mỗi hình thức có ý nghĩa riêng của mình - viết luận giúp sv bước đầu làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học còn thực tập thì giúp sv bước đầu làm quen với công việc thực tế. Cũng phải nói thêm là bản thân việc viết luận cũng đòi hỏi người viết phải tìm tòi các vấn đề mang tính chất thực tiễn. Vì thế suy cho cùng, ý nghĩa hay không là phụ thuộc vào việc sv thấy mình cần thêm gì và sv có làm việc nghiêm túc hay không chứ không phải là hình thức thực hiện - viết luận hay thực tập!

Ngọc Linh said...

Sau này chẳng may con vào trường Luật, chú lên hiệu trưởng, chú cho con cả viết luận, cả đi thực tập nhé! Cho con học luôn một lúc 5 khoa để dễ xin việc.

learn4share said...
This comment has been removed by the author.