Saturday, May 23, 2009

Học để làm gì?


Câu hỏi này không xa lạ chút nào... Chỉ có điều trả lời nó thật chẳng dễ, nó cũng giống như câu hỏi "tình yêu là gì?".

Vì là câu hỏi quen thuộc và lại khó để trả lời sao cho ai nghe cũng thấy đúng, ta đành tìm cách lãng quên. Tự dưng có lần, trên blog của anh bạn thân đang du học ở xứ hoa anh đào, anh ấy lại đi làm cái công việc là thử đưa thêm một câu trả lời cho điều này. Lại nghĩ, có khi cũng phải thử xem: học để làm gì?

Học để mưu sinh... Cái này đa số đều đồng tình, suy cho cùng, ai trong đời chẳng phải học để sống và để có cái mà sống. Lọt lòng mẹ, hẳn ai cũng phải học lật, học trườn, học bò, học chạy, rồi học ăn, học nói. Lớn lên, lại học để có cái nghề cái nghiệp. Dù đó là nghề thấp hèn hay được trọng vọng thì cũng đều phải học - dẫu ít hay nhiều. Ngay cả sinh ra đã được hưởng cả khối gia tài kếch sù và chẳng cần làm gì thì ít ra họ cũng phải học 1 thứ để sống với khối tiền đó: học cách để bảo vệ và sử dụng nó?

Học vì sự hiểu biết... Con người hơn vạn vật ở chỗ có tri thức. Vì thế, với nhiều người, để thấy mình "người hơn" thì học chính là một phương cách tốt. Biết thêm một điều gì đó dù nhỏ nhoi, với họ cảm giác như vừa bước thêm được một bước trong chuyến du hí đến thiên đường của sự hiểu biết. Vì thế, Học vì sự hiểu biết đôi khi còn được gọi theo cách hoa mỹ hơn: Học vì đam mê tri thức!

Học để được coi là kẻ sĩ... Suy cho cùng có 2 thứ trên đời này được người người tôn sùng: Sức khỏe và Sự hiểu biết (Quyền lực hay Tiền bạc thực ra cũng chỉ là những gì phái sinh từ 2 thứ này). Càng ngày, dường như cái thứ hai lại càng được coi trọng hơn. Tuy cùng mục đích là mong được coi là "kẻ sĩ", về cơ bản có thể chia làm 2 loại người chạy theo sự học kiểu này: học để thu lượm kiến thức và học để thu lượm bằng cấp!

Học cho vui... Có người coi việc học là một thú vui. Thông thường rơi vào 2 dạng người: một là có tiền, có quyền, nhưng lại không có mấy việc để làm; hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu. Điểm chung là với họ đi học là được lao động, là được thấy mình tồn tại có ích trong cuộc đời. Vì thế, họ đi học như một cuộc dạo chơi, biết được bao nhiêu thì biết chứ không phải là áp lực để kiếm miếng cơm, manh áo hay tranh đấu chức quyền. Loại học để làm gì này còn được gọi là Học vì chẳng còn việc gì để làm.

Học chẳng biết để làm gì... Trả lời kiểu này thì có thể là của những kẻ ngớ ngẩn, nhưng hoàn toàn có thể là của bậc cao nhân!. Đơn giản là để trả lời một câu hỏi khó như kiểu "học để làm gì?", cách tốt nhất là phủ nhận chính câu hỏi ấy. Ẩn chứa trong ấy chính là câu trả lời thú vị về sự học: học để có nhiều thứ - tiền bạc, sự hiểu biết, sự tôn trọng và vì cả niềm vui!

2 comments:

family said...

Thầy ơi, phân biệt 3 khái niệm luật xung đột, quy tắc xung đột với xung đột pháp luật như thế nào ạ? thầy gửi vô mail cho e đc k? địa chỉ là family0078@yahoo.com.e cám ơn thầy trước hi!

Thanh Phạm said...

Suy cho cùng học để tồn tại thầy nhỉ và muốn tồn tại thì phải học.