Monday, July 2, 2007

"Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền" - Cần chia sẻ hơn là lên án!




"Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền"

- Cần chia sẻ hơn là lên án!

Nguyễn Bá Bình

Thạc sỹ luật học - ĐH Luật Hà Nội

Tôi vốn không phải là dân văn chương chuyên nghiệp - có viết lách, nhưng cũng chỉ để thoả niềm đam mê, chứ không coi đó là cái nghiệp của mình. Vì thế, lúc mới nghe dư luận xôn xao về cái gọi là "tranh chấp", "đạo văn" giữa "Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền" thì cũng xem như chuyện thường ngày trong giới văn hoá nghệ thuật nước nhà (vì đã có nhiều chuyện quá rồi: từ "nụ hôn của gió" trong vụ tranh cổ động, cho tới việc một loạt tác phẩm bị sao chép). Nhưng rồi, nghe riết đâm ra phải để tâm, và rồi một ngày kia câu chuyện này được lên cả thời sự VTV1 nữa thì thực sự tôi để ý - để ý và rồi tìm đọc cả 2 truyện ngắn, tìm đọc vô số trang viết về việc "đạo văn" có hay không? Không phải là dân văn chương, như đã nói, nhưng tôi lại sống bằng nghề luật và lỡ đam mê vào lĩnh vực quyền tác giả, nên càng đọc các ý kiến lại thấy càng mê - và rồi bức xúc quá, vì muốn nói, muốn trải lòng mình, đâm ra phải gửi vào những trang giấy này vậy. Cũng nói thêm rằng, đây chỉ là quan điểm cá nhân tôi và cũng như tác giả Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thanh Khương, tôi không biết gì về họ và chắc rằng họ cũng không rõ gì hơn về tôi - vì lẽ đó tiếng nói của tôi chỉ là tiếng nói góp vào dòng dư luận, chứ không vì mục đích bênh vực cho ai, ai đúng ai sai, hay chẳng ai sai ai đúng thì chỉ có bạn đọc mới có thể phán xét được mà thôi!

Như đã đọc và cũng giống nhiều ý kiến khác trên khắp các trang viết, điểm giống nhau mà người ta nhận ra ở "Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền" (điều này cả hai tác giả có lẽ cũng đã đồng tình ở dưới nhiều cách nói khác nhau trước công luận) đó là về mô típ của câu truyện, về cốt truyện. Còn rõ ràng về lời văn thì không hề tìm thấy sự sao chép lẫn nhau. Vì thế, lẽ dĩ nhiên điều mà tôi bàn tới ở đây cũng dựa trên những nhận định chung đó.

Trước hết, dưới góc độ luật học, chúng tôi cho rằng dù môtíp câu chuyện, cốt truyện có giống nhau đến 100% thì xét dưới góc độ pháp luật về quyền tác giả cũng không hề có bất cứ sự vi phạm nào. Bởi lẽ, luật quyền tác giả không bảo hộ về mặt ý tưởng của tác phẩm văn học nghệ thuật (ý tưởng ở đây được hiểu bao hàm cả vấn đề môtíp câu chuyện, cốt truyện), mà chỉ bảo hộ cách diễn đạt về câu từ, hình thức biểu hiện tác phẩm. Vì lẽ đó, chỉ khi các tác phẩm có sự sao chép về mặt câu từ thì mới có thể kết luận liệu có sự vi phạm luật quyền tác giả hay không - mà như dân chúng vẫn thường gọi với cái từ thông dụng, nhưng "đau hơn" đó là "đạo văn" hay không? Đọc hai tác phẩm "Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền" dĩ nhiên không hề thấy có sự sao chép câu từ nào giữa hai tác phẩm (dù chỉ là một đoạn nhỏ), các nhà văn, các nhà phê bình và độc giả cũng không ai cho rằng có sự trùng lặp về câu từ. Vậy thì rõ ràng nhiều người kết luận có "đạo văn", có vi phạm bản quyền ở đây e rằng là sự phát biểu quá cảm tính và cần phải suy ngẫm lại.

Dưới góc độ đời thường (chúng ta thôi bàn chuyện luật học - bởi lẽ người ta vẫn hay cho rằng luật nhiều khi không phản ảnh đúng thực tế, cho dù tư tưởng luật bản quyền như thế đã ra đời cách đây 6 - 7 thế kỷ và cả thế giới đều quan niệm vậy), chúng tôi muốn xem xét vấn đề một cách trực diện hơn để xem liệu chúng ta nên chia sẻ hay lên án khi có hai tác phẩm giống nhau về môtíp câu chuyện: giả định rằng Phạm Thanh Khương đã đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và ông quyết định đi theo môtíp câu chuyện của "Cánh đồng bất tận" thì sao? Tôi cho rằng điều đó là rất bình thường. Bởi lẽ giá trị của một tác phẩm luôn được thể hiện ở hai phương diện: cốt truyện và cách diễn tả cốt truyện (sự sắp đặt về ngôn từ). Vì lẽ đó, nếu như vẫn với cốt truyện cũ, một người có thể diễn đạt bằng một giọng văn hay hơn thì thậm chí chúng ta phải hoan nghênh chứ sao?! Còn nếu cứ với một định kiến rằng, một người đã tạo ra một cốt truyện thì người khác không thể viết theo cốt truyện đó nữa thì thực sự đã hạn chế khả năng sáng tạo của những người khác (đấy có lẽ cũng là lý do để luật bản quyền không bảo hộ về mặt ý tưởng). Trong vụ việc này, đa phần ý kiến đều cho rằng truyện của Phạm Thanh Khương không hay bằng truyện của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng vấn đề sẽ thế nào nếu như vẫn với quan điểm đó, chúng ta đánh tráo "Cánh đồng bất tận" là của Phạm Thanh Khương, còn "Dòng sông tật nguyền" là của Nguyễn Ngọc Tư - như thế thì có nghĩa là tác phẩm sau đã phát triển hơn, hay hơn so với tác phẩm trước, và điều đó lẽ ra đáng phải hoan nghênh chứ! Dĩ nhiên nó không phải là một sự so sánh tròn trịa, nhưng việc chúng ta lên án một tác phẩm khác viết giống môtíp một tác phẩm trước đó, cũng chẳng khác gì sự vô lý khi chúng ta ngăn một ca sĩ trẻ hát lại một bài hát như "Làng lúa làng hoa" mà NSND Thanh Hoa đã biểu diễn rất thành công. Triết lý của cuộc đời về câu chuyện văn chương là ở chỗ người ta không nhất thiết cấm nhau học theo môtíp câu chuyện - không cần vậy, bởi một lẽ rất đơn giản: nếu anh học theo môtíp câu chuyện của người khác mà không thể vượt qua họ về cách diễn đạt câu chuyện thì chỉ có thể là thất bại. Học theo môtíp của một câu chuyện đã nổi rõ ràng chẳng có ai lại "dại khờ" muốn che giấu môtíp đó (bởi có che giấu cũng chẳng được), có chăng sự thành công có hay không nằm ở cách thể hiện mới của mình. Vì thế, tôi không biết Phạm Thanh Khương tình cờ trùng lặp môtíp, hay đã từng đọc "Cánh đồng bất tận" và bị ảnh hưởng, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng nếu ông không vượt qua được cách kể chuyện trong "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư thì đó đã là một sự không thành công đối với bản thân ông. Còn việc nếu ông biết và quyết tâm đi theo môtíp của một câu chuyện đã sớm "xôn xao dư luận" như "Cánh đồng bất tận" thì xem ra đó cũng là chuyện bình thường, thậm chí về một góc độ nào đó tôi cho rằng thoát được cái bóng của "Cánh đồng bất tận" đã là một thành công lớn của ông và điều đó đáng biểu dương hơn là lên án (bởi lẽ nếu chúng ta không mang tâm trạng - như Nguyễn Ngọc Tư từng phát biểu, là nghĩ rằng chúng có sự giống nhau khi đọc 2 tác phẩm này thì chưa chắc đã cho rằng chúng giống nhau!).

Nói đi rồi cũng phải nói lại, đọc nhiều, rồi chợt nghĩ, một mai này nếu giới văn chương nước nhà lại rộ lên câu chuyện một ai đó học theo môtíp câu chuyện của người khác thì sao nhỉ? Lúc đó chỉ hy vọng rằng, chúng ta sẽ chỉ nói về việc tác phẩm sau có vượt lên được "cái tầm" của tác phẩm trước hay không, còn câu chuyện "đạo văn" hy vọng rằng chỉ được bàn tới nếu ai đó tìm thấy những sự sao chép về mặt câu chữ, ngôn từ! Mong lắm sao!

(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Thế giới pháp luật, 2006 - Nxb Tư pháp - Bộ Tư pháp)

No comments: