Friday, July 6, 2007

Thiếu một "bản vẽ kiến trúc" cho xây dựng pháp luật nước nhà?!




Thiếu một "bản vẽ kiến trúc"

cho xây dựng pháp luật nước nhà?!

ThS. Nguyễn Bá Bình

ĐH Luật Hà Nội

Những đạo luật được ban hành là sản phẩm của nhiều cố gắng và nỗ lực của không chỉ các nghị sỹ mà còn cả đông đảo dân chúng. Tuy nhiên, trên thực tế các đạo luật ở Việt Nam phần lớn đều chỉ là những đạo luật "khung" - nó giống như một cơ thể người, nhưng còn thiếu tay, thiếu chân. Để có thể tác động thực sự đến đời sống xã hội thì phải thông qua "những tay, những chân" là các Nghị định, thông tư.

Với triết lý xem Nghị định, Thông tư như những "đạo luật nối dài" chứ không phải là những văn bản quy định thể thức thi hành luật của các cơ quan hành pháp, nên thật dễ hiểu khi tình trạng luật thì có, nhưng vẫn không áp dụng được, bởi lẽ tốc độ tạo ra phần cơ thể nhanh hơn nhiều so với tốc độ tạo ra "phần tay, chân". Các đạo luật về doanh nghiệp, về đầu tư, về nhà ở đã chính thức có hiệu lực từ khá lâu, nhưng dường như dân chúng vẫn phải sống trong tình trạng "phi luật" - bởi vì thiếu Nghị định, thiếu Thông tư. Nghịch lý nằm ở chỗ: ở đất nước này, từ xưa người ta vẫn chỉ nói về câu chuyện "ý thức pháp luật của người dân chưa cao", thì nay lại xảy ra câu chuyện ngược lại: "ý thức pháp luật của người dân quá cao" - họ vẫn đang ngày đêm ngóng chờ pháp luật, ngóng chờ Nghị định, Thông tư để được sống và làm việc theo pháp luật.

Thiếu Nghị định, thiếu Thông tư đem lại một loạt hệ quả không mong muốn. Điều đầu tiên và thực sự quan trọng cho mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền - với tinh thần thượng tôn pháp luật, đó là pháp luật phải thực sự chi phối và có hiệu lực thực tế đối với các quan hệ xã hội, thì chỉ bởi vì "thiếu tay, thiếu chân" mà các đạo luật chỉ dừng lại trên những trang giấy, về lý luận thì luật đã có hiệu lực, nhưng rõ ràng khi mà chưa có Nghị định, thông tư hướng dẫn thì hiệu lực đó cũng chỉ là hiệu lực "ảo".

Không có Nghị định, Thông tư cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ một cách "khó hiểu". Chỉ với việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn về đầu tư kéo theo vô số hồ sơ, dự án đầu tư bị xếp xó thì những kêu gọi, khuyến khích và ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phỏng có ích gì? Thiếu Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, người dân vẫn cứ phải đi đi về về với bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đồng nghĩa với việc tiêu tốn vô khối thời gian, công sức và tiền bạc…

Không có Nghị định, Thông tư thì hàng loạt hoạt động của chính cơ quan công quyền cũng không thể triển khai, kéo theo là sự lãng phí về nhân lực. Đó là chưa kể một số hành vi vụ lợi có thể phát sinh trong quá trình "chờ hướng dẫn"!

Chúng ta vẫn lên án về hàng loạt dự án quy hoạch treo, về sự chậm trễ triển khai các công trình xây dựng đưa đến thất thoát, lãng phí cho ngân sách quốc gia. Nhưng với việc Chính phủ công bố còn nợ tới gần 200 Nghị định - đồng nghĩa với một loạt hệ quả trớ trêu như trên thì sự "mất mát" lớn lao đến chừng nào?

Từ xưa tới nay, vẫn một quy trình Quốc hội làm Luật, Chính phủ ra Nghị định hướng dẫn, các Bộ ra Thông tư quy định chi tiết. Nhưng dường như còn thiếu một lộ trình cụ thể cho việc bắt buộc phải có văn bản hướng dẫn và thiếu những quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Xây dựng pháp luật, nói nôm na cũng chẳng khác gì việc xây một ngôi nhà, rõ ràng, cho dù việc làm nền, làm móng có nhanh và hoàn thiện đến mấy nhưng nếu các công đoạn xây nhà tiếp theo chậm trễ thì cũng chỉ để lại là những nền móng với cốt thép chơ vơ - cùng với thời gian có thể rằng chưa kịp xây nhà thì cốt thép và nền móng đã hỏng! Pháp luật cũng vậy, luật có ra nhiều, nhanh và chất lượng đến mấy, nhưng thiếu Nghị định, Thông tư thì có thể nói "công sức Quốc hội cũng đổ xuống sông, xuống bể"! Gia nhập WTO, xây dựng Nhà nước pháp quyền - không còn là khẩu hiệu mà đang rất gần và vô cùng thiết yếu, vậy thì hoàn thiện quy trình không chỉ cho việc xây dựng Luật mà cho tổng thể của hệ thống pháp luật rõ ràng là việc cần làm ngay! Giống như việc xây nhà muốn đẹp, muốn tốt trước tiên phải có được một bản vẽ kiến trúc tốt, đã đến lúc cần có một "bản vẽ chi tiết" cho việc xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Trong "bản vẽ" đó cần định rõ thời hạn và kéo theo là những trách nhiệm pháp lý cần thiết đối với các cơ quan hành pháp khi ban hành các văn bản hướng dẫn luật!

(Bài viết đã công bố vào năm 2006 trên Tạp chí của Bộ Tư pháp)

2 comments:

tit xinhdo said...

Sao bài viết chưa đề cập đến trách nhiệm của các "kiến trúc sư" hả anh? Điều ấy cũng cần thiết đấy chứ.

Nguyen Ba Binh - HLU said...

Thanks em vì đã comment bài viết này! Về băn khoăn của em thì mục tiêu bài viết hướng đến như chính tên gọi của nó là mong cho một tư duy "hệ thống" trong xây dựng pháp luật sẽ sớm được hiện thực hóa, vì lẽ đó bài viết không đi sâu, đi trực diện vào việc đề cập đến trách nhiệm của một ai cụ thể, tuy nhiên một cách gián tiếp (thông qua việc đưa ra một số hạn chế của việc làm luật hiện nay) nó cũng đã nói lên rằng các "kiến trúc sư" - những người xây dựng pháp luật cần thay đổi nhận thức của mình!
From: Nguyễn Bá Bình