Friday, October 17, 2008

Bầu cử tổng thống Mỹ...

Bầu cử tổng thống Mỹ - gian nan và vinh quang![1]


Đến hẹn lại lên, cứ bốn năm một lần không chỉ người Mỹ mà cả thế giới lại tốn chẳng biết bao nhiêu giấy bút và thời gian dõi theo cuộc bầu cử tổng thống của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này. Năm nay cũng vậy, dẫu cho khủng hoảng tài chính đang là chủ đề nóng cho toàn thế giới nhưng nó cũng không làm nguội đi bao nhiêu cuộc chiến đang vào hồi kết giữa hai ứng viên tổng thống John Mc Cain và Barack Obama. Trước khi đón chờ một vị tân tổng thống mới của nước Mỹ, thử nhìn lại đôi nét chủ đạo của cả một chặng đường bầu cử chông gai.


Để trở thành ứng viên tổng thống


Theo quy định của Hiến pháp Mỹ (nêu rõ tại điều I và II), một người muốn ứng cử vào ngôi vị tổng thống thì phải thỏa mãn 3 điều kiện cơ bản: công dân Mỹ, ít nhất 35 tuổi, cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm. Thêm vào đó, với Điều sửa đổi, bổ sung thứ 22 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1951, tổng thống Mỹ không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Vì lẽ đó, đương kim tổng thống George W. Bush không thể tiếp tục ra tranh cử cho nhiệm kỳ sắp tới.


Chỉ định ứng cử viên tổng thống


Hiến pháp Mỹ không có quy định nào đề cập về các nguyên tắc chỉ định ứng viên tổng thống của các đảng phái chính trị. Đơn giản vì vào giai đoạn soạn thảo cũng như phê chuẩn Hiến pháp (cuối những năm 1700) thì chưa có bất kỳ đảng phái nào và những người sáng lập nền cộng hòa ở Mỹ cũng không quan tâm đến việc quy định thủ tục đối với các đảng phái chính trị.


Tới đầu năm 1796, các nghị sĩ Mỹ thuộc các đảng phái nhất định đã tiến hành nhóm họp không chính thức để đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống của đảng mình. Hệ thống bầu chọn ứng viên kiểu này còn được gọi là cuộc họp kín của nhà Vua đã kéo dài trong suốt 30 năm trước khi bị phá vỡ vào năm 1824 bởi việc phi tập trung hóa quyền lực chính trị sau khi nước Mỹ mở rộng về phía Tây. Sự lựa chọn tiếp theo và hiện đang được vận hành để lựa chọn ứng viên tổng thống chính là đại hội toàn quốc của các đảng. Sự kiện đánh dấu cho lựa chọn kiểu này bắt đầu vào năm 1831 khi Đảng Anti-Mason, một đảng nhỏ ở Mỹ đã tổ chức họp tại một quán rượu ở thành phố Baltimore thuộc Bang Maryland để chọn ra ứng viên tổng thống. Chỉ một năm sau đó, Đảng dân chủ cũng họp tại quán rượu này để lựa chọn ứng viên của mình. Dần dần việc họp - đại hội toàn quốc của các đảng để chỉ định ứng viên tổng thống đã trở nên quen thuộc cho từng kỳ bầu cử.


Đại hội toàn quốc của các đảng


Trong suốt hai thế kỷ XIX, XX, các đại hội chỉ định ứng viên tổng thống thường bị chi phối bởi lãnh đạo của đảng tại các Bang. Họ dùng ảnh hưởng của mình để chọn đại biểu đi dự đại hội của Bang và chắc chắn rằng những đại biểu này sẽ bỏ phiếu theo như mình dự kiến tại đại hội đảng toàn quốc. Do gặp phải sự phản đối từ công chúng, yêu cầu về cải cách quy trình lựa chọn này đã được đặt ra theo hướng cử tri được bầu đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc. Các cuộc bầu cử sơ bộ (của Đảng) đã ra đời để thực hiện sứ mệnh đó. Cho dù khởi nguồn từ năm 1916 và bị thui chột trong một thời gian ngắn từ sau thế chiến thứ nhất, nhưng với tiến trình gia tăng dân chủ từ sau thế chiến thứ hai việc bầu cử sơ bộ lại tiếp tục được hồi sinh và tiếp tục cho tới ngày nay. Hiện hầu hết các Bang ở Mỹ đều tiến hành bầu cử sơ bộ để lựa chọn đại biểu tham gia đại hội đảng toàn quốc. Tùy thuộc pháp luật của mỗi Bang mà cử tri có thể bỏ phiếu bầu ứng viên tổng thống của đảng và bỏ phiếu bầu vào một danh sách các đại biểu cam kết, hoặc cũng có thể gián tiếp bỏ phiếu cho một ứng viên trong một cuộc họp kín bằng việc bầu chọn đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc và những đại biểu này có sự cam kết ủng hộ ứng cử viên nhất định nào đó. Khác với việc bầu cử sơ bộ đơn thuần, theo quy trình họp kín, những cử tri sống tại một khu vực địa lý nhỏ (khu vực bầu cử địa phương - xã, phường) sẽ họp để bỏ phiếu bầu các đại biểu - những người đã có cam kết về việc sẽ ủng hộ ứng viên tổng thống cụ thể. Sau đó, các đại biểu được chọn sẽ đại diện cho các khu vực của mình để dự đại hội của Hạt để tiếp tục chọn ra các đại biểu tham gia đại hội đề cử của Quận và của Bang. Những đại biểu dự các đại hội cuối cùng này sẽ bầu các đại biểu đại diện cho Bang tại đại hội đảng toàn quốc. Cho dù quy trình này có thể kéo dài khá lâu - trong vài tháng, nhưng thực tế cho thấy các ứng viên được ưa thích thường được quyết định ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên.


Cũng như những cuộc bầu cử trước đó, năm nay việc bầu cử sơ bộ hay tiến hành họp kín ở các Bang để lựa chọn các đại biểu đi dự đại hội toàn quốc của từng đảng phái đã diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6. Đại hội toàn quốc của hai đảng dân chủ và bảo thủ cũng đã được tổ chức để chọn ra ứng viên tổng thống của họ. Dù gọi là đại hội, nhưng thực ra nó chỉ là hoạt động mang tính hình thức, bởi lẽ từ những năm 70 đến nay, trước khi diễn ra đại hội của các đảng phái chính trị thì dân chúng đã biết chắc ai sẽ là ứng cử viên tổng thống. Mc Cain và Obama cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, các đại hội ngày nay chỉ như một buổi ra mắt chính thức ứng viên tổng thống của đảng, bí mật được tiết lộ có chăng chỉ là gương mặt của ứng viên phó tổng thống. Tuy thế, với sự quan tâm đặc biệt của công chúng tới sự kiện này, Đại hội đảng chính là một dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh của ứng viên tổng thống.


Tổng tuyển cử...


Người Mỹ không bỏ phiếu bầu trực tiếp tổng thống mà bỏ phiếu trong phạm vi từng Bang để bầu lên một nhóm đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống cụ thể. Số đại cử tri tương ứng với số thành viên Quốc hội của Bang đó, tức là bằng số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của Bang. Để dành được chức tổng thống thì ứng cử viên phải có được ít nhất 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri của 50 Bang (bao gồm cả 3 phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington thuộc Quận Columbia - dù đây không phải là một Bang và cũng không có đại diện có quyền bỏ phiếu nào tại Quốc hội).


Vào ngày tổng tuyển cử, tại mỗi Bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẳn cho vị trí đại cử tri tổng thống mà đại diện cho nhiều ứng viên tổng thống khác nhau. Tuy nhiên, lá phiếu Bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống. Đa số Bang sử dụng lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (ví dụ Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa) thì được coi là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri tổng thống thuộc đảng đó. Tại những Bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của Bang đó (theo hình thức đa số hay tuyệt đối). Riêng tại Maine và Nebraska thì hai đại cử tri được bầu lên thông qua bầu phiếu phổ thông trên toàn bang, những đại cử tri còn lại được bầu thông qua bầu phiếu phổ thông tại mỗi khu vực bầu cử quốc hội của các bang đó (mỗi khu vực sẽ chọn ra một đại cử tri).


Sau 41 ngày kể từ ngày tổng tuyển cử, các đại cử tri tổng thống của mỗi Bang (và Quận Columbia) họp lại để thực hiện việc bỏ phiếu đại cử tri. Hầu hết các đại cử tri tổng thống đều sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trường hợp đại cử tri thuộc Đảng lại bầu cho ứng viên thuộc Đảng khác - họ được gọi là "đại cử tri không trung thành".


Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ tiến hành nhóm họp cả Hạ viện và Nghị viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng cử viên nhận được 270 hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống sẽ trở thành tổng thống đắc cử. Hiến pháp Mỹ cũng quy định rằng, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Hạ viện sẽ phải quyết định. Theo đó, tất cả các hạ nghị sĩ của mỗi Bang sẽ phải bỏ phiếu với tư cách một đơn vị. Mỗi Bang và Quận Columbia được phân bổ một lá phiếu duy nhất.


Như vậy, phiếu bầu phổ thông của các cử tri không có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn tổng thống mà ứng viên đắc cử sẽ phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri có được ở từng Bang. Thực tế đã có 17 cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ người thắng cử không phải là người giành được đa số phiếu phổ thông. Nhân vật đầu tiên là John Quincy Adams vào năm 1824 và gần nhất chính là đương kim tổng thống George W. Bush trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000.


Đôi dòng đọng lại...


Theo một quy trình bầu cử rất đặc biệt ở một xứ sở đặc biệt, người Mỹ chọn cho mình ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử chính thức trên toàn quốc. Năm nay cũng vậy, chỉ còn vài tuần nữa, dù đã trải qua hai vòng tranh luận trực tiếp về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội giữa Mc Cain và Obama, dường như dự đoán về nhân vật quyền lực số 1 của nước Mỹ nhiệm kỳ tới vẫn còn quá nhiều ẩn số. Chờ đợi kết quả kiểm phiếu của từng Bang trong sự hồi hộp của quá trình gom phiếu đại cử tri chính là những khoảnh khắc thú vị cho không chỉ hai ứng cử viên mà của cả triệu triệu người trên hành tinh này trong những ngày sắp tới. Chiến thắng trong cuộc lựa chọn ứng viên của Đảng đã là vinh quang, nhưng chưa đủ, cần thêm một chiến thắng nữa tại trận tuyến đại cử tri. Tổng thống Mỹ - nhân vật quyền lực nhất của cường quốc số 1 thế giới dường như là phần thưởng xứng đáng để vinh danh người đã vượt qua cả một chặng đường bầu cử gian nan!









[1] ThS luật học Nguyễn Bá Bình, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

No comments: